Tiêu chuẩn ngành 10TCN185:1993

Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng


TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 185:1993

QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM HIỆU LỰC

CỦA THUỐC TRỪ CỎ HẠI LÚA TRÊN ĐỒNG RUỘNG

1. Quy định chung

1.1. Quy phạm này quy định những nguyên tắc, nội dung và phương pháp chủ yếu để đánh giá hiệu lực trừ cỏ của các loại thuốc trừ cỏ hại lúa.

1.2.Các khảo nghiệm phải được tiến hành tại các điểm nằm trong mạng lưới khảo sát của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, của các cơ sở nghiên cứu Trung ương và địa phương, của các Chi cục Bảo vệ thực vật.

1.3. Những điều kiện khảo nghiệm:

Các khảo nghiệm phải được bố trí trên những ruộng lúa thường xuất hiện cỏ dại với thành phần cỏ dại đại diện cho vùng gồm những loại cỏ nằm trong phổ tác động của thuốc định khảo nghiệm (cỏ hòa thảo, cỏ lác, cỏ lá rộng).

Các điều kiện trồng trọt (loại đất, phân bón, cách làm đất, mật độ cấy, chiều cao mực nước vv...) phải đồng đều trên mỗi ô thí nghiệm và phải phù hợp với tập quán canh tác ở địa phương.

1.4. Các thí nghiệm trên ô nhỏ và ô lớn có thể được tiến hành ở các vùng sinh thái khác nhau, trong các thời vụ gieo cấy khác nhau, nhưng nhất thiết phải tiến hành trên ô nhỏ trước. Nếu chúng cho kết quả tốt mới thực hiện tiếp trên diện rộng. Việc khảo nghiệm thuốc trừ cỏ trên diện rộng là yêu cầu bắt buộc để đánh giá hoàn chỉnh một loại thuốc.

2. Phương pháp khảo nghiệm

2.1. Sắp xếp và bố trí công thức khảo nghiệm:

Công thức khảo nghiệm, được chia làm 3 nhóm:

- Các loại thuốc khác nhau, dùng ở những liều lượng khác nhau theo cách dùng khác nhau dự định khảo nghiệm.

- Thuốc so sánh là loại thuốc đang được dùng phổ biến ở địa phương để trừ cỏ trên ruộng lúa, tùy thuộc vào mục tiêu thực tế của từng khảo nghiệm.

- Công thức đối chứng:

+ Đối chứng làm cỏ bằng tay: Tiến hành làm cỏ bằng tay theo điều kiện canh tác thực tế ở địa phương.

+ Đối chứng không làm cỏ: Để cỏ mọc tự nhiên từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

Trong từng lần nhắc lại của thí nghiệm, các công thức được sắp xếp theo phương pháp ngẫu nhiên hoặc theo các phương pháp khác đã được quy định trong thống kê toán học.

Riêng với các loại thuốc trừ cỏ cho lúa nước cần đắp bờ nhỏ để ngăn nước ở các ô không lan tràn sang nhau. Bề rộng của bờ phải đạt 25 cm. Cần thiết kế hệ thống tưới tiêu nước độc lập để có thể điều chỉnh mực nước ở từng ô cho thích hợp mà không ảnh hưởng đến mực nước của các ô khác.

2.2. Kích thước ô và số lần nhắc lại:

Ruộng khảo nghiệm phải bằng phẳng, có sự đồng đều về độ sinh trưởng của cây và dễ điều khiển mực nước trong ruộng (nếu là lúa nước).

Tuỳ theo dạng thuốc (thuốc bột, thuốc hạt, thuốc nước) và công cụ rải thuốc (bơm tay, bơm động cơ) mà các ô thí nghiệm cần có kích thước thích hợp:

- Các thí nghiệm diện hẹp: Diện tích ô là 16m2 (4m x 4m)

Số lần nhắc lại: 4 lần

- Các thử nghiệm diện rộng: Diện tích ô tối thiểu là 500m2 và không nhất thiết phải bố trí các lần nhắc lại.

2.3. Tiến hành phun, rải thuốc:

2.3.1. Thuốc phải được phun, rải đều trên toàn ô thí nghiệm.

2.3.2. Lượng thuốc dùng được tính bằng gam hoạt chất trên đơn vị diện tích một ha.

Lượng nước dùng: Phải được phun theo từng khuyến cáo cụ thể phù hợp với phương thức tác động của từng loại thuốc.

Bảo đảm lượng nước: 600 l/ha khi phun bằng bình bơm tay đeo vai đối với thuốc trừ cỏ sau nảy mầm và 300 l/ha đối với thuốc trừ cỏ trước nảy mầm.

Các số liệu về nồng độ (%) và lượng nước dùng (l/ha) cần được ghi rõ.

Trên những ô thí nghiệm diện hẹp chỉ nên dùng bình bơm tay đeo vai để phun. Trên những ô thí nghiệm diện rộng (từ 500m2 trở lên) có thể dùng bình bơm động cơ để phun. Cần phun, rải đúng lượng thuốc đã qui định cho mỗi ô thí nghiệm. Trường hợp trong khi phun, rải thuốc do sai sót nào đó mà lượng thuốc dùng trên một ô vượt quá 10% lượng thuốc dự kiến thì cần ghi lại.

Chú ý không để thuốc ở ô này tạt sang các ô khác.

2.3.3. Nếu ruộng khảo nghiệm bắt buộc phải sử dụng những loại thuốc trừ dịch hại khác để phòng trừ các đối tượng như: sâu, bệnh .... thì những loại thuốc này phải là các loại thuốc có thể dùng được với từng loại thuốc khảo nghiệm theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất và cần được phun, rải đều trên tất cả các ô thí nghiệm (kể cả ô đối chứng) không phun, rải cùng một lúc với thuốc trừ cỏ đang khảo nghiệm. Phải ghi chép đầy đủ các trường hợp trên (nếu có).

2.3.4. Cần dùng các công cụ phun, rải thuốc thông dụng ở địa phương, phải ghi chép đầy đủ tình hình vận hành của công cụ rải thuốc cũng như giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và cỏ dại tại thời điểm xử lý thuốc.

2.4. Thời điểm và số lần xử lý thuốc:

Thời điểm và số lần xử lý thuốc có quan hệ chặt chẽ đến sự nảy mầm của lúa và cỏ. Thuốc trừ cỏ có thể được xử lý vào các thời điểm sau:

- Trước khi gieo hoặc cấy

- Trước khi lúa nảy mầm

- Sau khi lúa nảy mầm hay cấy.

Giai đoạn sinh trưởng của cỏ và lúa cần được ghi lại.

Thời điểm xử lý thuốc phải thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc khảo nghiệm.

Nếu trên nhãn không ghi cụ thể thời điểm xử lý thuốc thì tùy theo mục đích khảo nghiệm và đặc tính tác động của thuốc mà qui định thời điểm và số lần xử lý thuốc cho thích hợp. Số lần và ngày xử lý thuốc cần được ghi lại.

2.5. Quan sát và thu thập số liệu:

2.5.1. Đánh giá hiệu lực của thuốc đối với cỏ:

2.5.1.1. Điều tra thành phần cỏ dại:

Trên mỗi ô thí nghiệm chọn 5 điểm ngẫu nhiên, mỗi điểm là một khung vuông có kích thước 0,5m x 0,5m. Đếm số cây cỏ và chia thành 3 mức:

Rất phổ biến                  : +++    Loài cỏ đó chiếm 70%

Phổ biến                       : ++      Loài cỏ đó chiếm 10-70%

ít (hiếm)                        : +        Loài cỏ đó chiếm 10%

Ngoài ra, cần quan sát trên cả khu thí nghiệm, nếu có thêm loài cỏ nào mới cần bổ sung vào thành phần cỏ cho đầy đủ.

2.5.1.2. Đánh giá hiệu lực của thuốc đối với cỏ:

Mỗi ô thí nghiệm lấy 5 điểm ngẫu nhiên theo hai đường chéo.

Diện tích mỗi điểm điều tra là khung vuông có kích thước tối thiểu là 0,5m x 0,5m.

Cách điều tra: Đặt khung vào điểm định điều tra, dùng dao vạch sâu vào đất quanh khung nhằm cắt đứt những phần cỏ từ bên ngoài mọc vào hay từ trong khung mọc ra. Thu toàn bộ cỏ trong khung. Rửa sạch cho vào túi nilon từng điểm một.

Đánh giá lượng cỏ:

Ngay sau khi điều tra về cần thả các mẫu cỏ vào nước ngâm 1 giờ cho cỏ tươi lại. Vớt ra vẩy cho hết nước rồi cân ngay. Phân từng loài cỏ chính, phổ biến trên ruộng thí nghiệm, đếm số cá thể và cân trọng lượng mỗi loài. Những loài cỏ không phổ biến nhiều trên ruộng thí nghiệm thì được phân theo nhóm: cỏ lá rộng, cỏ lá hẹp, cỏ lác: đếm số cá thể và cân trọng lượng mỗi nhóm. Những triệu chứng cỏ dại chết, tốc độ cỏ chết, diễn biến cỏ chết, khả năng hồi phục cần được quan sát tỉ mỉ và ghi lại.

2.5.2. Đánh giá tác động của thuốc đến cây lúa:

Cần quan sát mọi ảnh hưởng tốt, xấu của thuốc (nếu có) đến cây lúa. Những chỉ tiêu nào có thể đo đếm được như: chiều cao cây, số dảnh vv... cần được biểu thị bằng các số liệu cụ thể. Phương pháp điều tra các chỉ tiêu này cần theo đúng các phương pháp theo dõi sinh trưởng lúa.

Các chỉ tiêu chỉ có thể đánh giá bằng mắt như độ cháy lá, sự thay đổi màu sắc lá vv... thì phải đánh giá theo bảng phân cấp ở phụ lục 1.

Mọi triệu chứng gây hại hoặc kích thích của thuốc đối với cây cần được mô tả một cách đầy đủ và tỉ mỉ.

Tính năng suất lúa:

- Với ô nhỏ: Trừ mỗi chiều của ô thí nghiệm 0,5m, gặt toàn bộ diện tích còn lại.

- Với ô rộng (trên 500m2): Cần gặt theo đúng phương pháp thống kê. Mỗi ô chọn 5 điểm trên hai đường chéo của ô, diện tích mỗi điểm 9m2 (3m x 3m).

Năng suất được tính bằng kg thóc khô/ha. Thóc khô là thóc có hàm lượng nước 14%.

2.5.3. Tác động của thuốc đến sinh vật khác:

Ghi chép mọi ảnh hưởng tốt, xấu (nếu có) của thuốc đến sự xuất hiện của các loại sâu, bệnh, cỏ dại khác cũng như những sinh vật không thuộc đối tượng phòng trừ. (động vật có ích, động vật hoang dã, rong, tảo... ).

2.5.4. Thời điểm và số lần quan sát

2.5.4.1. Đánh giá hiệu lực của thuốc đối với cỏ dại.

Thường đánh giá 2-3 lần, sau khi xử lý thuốc.

Thời điểm đánh giá tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thuốc, theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất thuốc.

2.5.4.2. Đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến cây lúa:

- Đối với thuốc trừ cỏ trước nảy mầm:

Cần đánh giá ngay sau khi cây mạ đã mọc 100%, quan sát ảnh hưởng của thuốc đến sinh trưởng của cây mạ, tỷ lệ uốn móc câu, màu sắc, chiều cao cây...

Các lần đánh giá tiếp theo (2-3 lần) tuỳ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

- Đối với thuốc trừ cỏ sau nảy mầm:

Đánh giá sơ bộ tình trạng của cây lúa trước khi xử lý thuốc. Sau khi xử lý thuốc cần theo dõi và đánh giá 2-3 lần tuỳ thuộc vào phương thức tác động và đặc tính của từng loại thuốc, theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất thuốc.

3. Thu thập, xử lý, báo cáo và công bố kết qủa:

3.1. Thu thập số liệu

Mọi số liệu đã được thu thập ở các điểm khảo sát trong mạng lưới khảo sát cần được gửi về cơ quan chủ quản để xử lý.

3.2. Xử lý số liệu:

Những số liệu thu được qua khảo nghiệm cần được xử lý bằng những phương pháp thống kê thích hợp. Những kết luận của thí nghiệm phải được rút ra từ những kết quả đã được xử lý bằng các phép tính thống kê đó. Cần gửi cả số liệu thô và phương pháp thống kê đã dùng.

Trường hợp các đơn vị khảo nghiệm chưa tính toán được kết quả khảo nghiệm bằng các phương pháp thống kê sinh học thì phải gửi kèm theo cả các số liệu thô thu được.

3.3. Nội dung báo cáo gồm:

Tên khảo nghiệm

Yêu cầu của khảo nghiệm

Điều kiện thí nghiệm.

- Nội dung khảo nghiệm

- Đặc điểm đất đai, canh tác, cây trồng và giống...

- Đặc điểm thời tiết (xem phụ lục 2).

- Tình hình phát sinh và thành phần cỏ dại.

Phương pháp thí nghiệm:

- Công thức thí nghiệm

- Phương pháp bố trí thí nghiệm

- Số lần nhắc lại

- Kích thước ô thí nghiệm.

- Dụng cụ phun, rải.

- Lượng thuốc dùng: gam (kg) hoạt chất/ ha .

- Ngày xử lý thuốc.

- Phương pháp điều tra và đánh giá hiệu quả của các loại thuốc khảo nghiệm.

Kết quả thí nghiệm:

- Các bảng số liệu

- Đánh giá hiệu lực của từng loại thuốc

- Nhận xét về tác động của từng loại thuốc đến cây trồng, sinh vật có ích và các ảnh hưởng khác.

Kết luận và đề nghị

3.4. Công bố kết quả:

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có trách nhiệm tập hợp các kết quả của các thí nghiệm. Kết luận về hiệu qủa của từng loại thuốc để trình lên Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Bộ căn cứ vào các kết luận này sẽ quyết định loại thuốc nào mới được bổ sung vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam.

4.  Phụ lục

4.1 Phụ lục 1: Bảng phân cấp chỉ tiêu nhiễm thuốc của cây lúa:

Cấp      Triệu chứng của cây lúa

0          Không có triệu chứng cây nhiễm, sinh trưởng tốt

1          Có triệu chứng nhẹ.

3          Có triệu chứng : Lá vàng, cây biến dạng nhưng không ảnh hưởng đến năng suất.

5              Có triệu chứng rõ rệt, cây gầy yếu đi, lá vàng, có thể giảm năng suất.

7          Thiệt hại nặng, một số cây chết, năng suất giảm nghiêm trọng.

9          Thiệt hại hoàn toàn.

4.2.       Phụ lục 2: Đặc điểm thời tiết

Lấy tại trạm khí tượng gần nhất các số liệu về nhiệt độ (tối đa, tối thiểu và trung bình) tính bằng độ bách phân (0oC). Độ ẩm tương đối, tuyệt đối, trung bình (tính bằng %), lượng mưa trung bình (tính bằng mm) số giờ nắng trong suốt thời gian khảo nghiệm.

Nếu nơi khảo nghiệm không gần các trạm khí tượng thì cần ghi đầy đủ, chi tiết về tình hình thời tiết lúc tiến hành phun thuốc và ghi lại các điều kiện thời tiết đặc biệt xảy ra trong thời gian khảo nghiệm (nắng hạn, mưa lụt, bão gió...) có thể ảnh hưởng đến kết quả khảo nghiệm.

Ghi chép số liệu về mực nước trong ruộng, hiện tượng nước chảy tràn bờ, sự sinh sản quá mức của một loài rong, tảo hay hàm lượng quá cao của chất hữu cơ (nếu có) có khả năng ảnh hưởng đến hiệu lực thuốc.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính TCVN 10TCN185:1993

Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
Số hiệu10TCN185:1993
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành...
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcNông nghiệp
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật3 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download TCVN 10TCN185:1993

Lược đồ Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng
                Loại văn bảnTiêu chuẩn ngành
                Số hiệu10TCN185:1993
                Cơ quan ban hành***
                Người ký***
                Ngày ban hành...
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcNông nghiệp
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật3 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng

                            Lịch sử hiệu lực Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 185:1993 về quy phạm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc trừ cỏ hại lúa trên đồng ruộng