Văn bản khác 4065/KH-UBND

Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nội dung toàn văn Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2104 chăm sóc trẻ em mồ côi bỏ rơi nhiễm HIV 2014 2020 Phú Thọ


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4065/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 23 tháng 9 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA, TRẺ EM BỊ BỎ RƠI, TRẺ EM NHIỄM HIV/AIDS, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN CỦA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC, TRẺ EM KHUYẾT TẬT NẶNG VÀ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI THIÊN TAI, THẢM HỌA DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2014-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng); Thông tư liên tịch số 213/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất:

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ TRỢ GIÚP TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. Thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh:

Toàn tỉnh hiện có 329 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 24,79% dân số, có 91.813 trẻ em đang sống trong các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, chiếm 27,9% số trẻ em toàn tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 6.134 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,trong đó:

- Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi: 3.367;

- Trẻ em bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng: 2.162;

- Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS: 33 ;

-Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học da cam – Dioxin: 45;

- Trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lang thang, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa: 527 em.

- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là nữ: 2.576 em, chiếm tỷ lệ 42%; đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và trợ cấp chế độ ưu đãi người có công: 2.540, chiếm 41,4%.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn cao hơn so với vùng đồng bằng và thành thị. Phần lớn số trẻ em này sống trong các gia đình nghèo, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên các em chưa được quan tâm, chăm sóc một cách đầy đủ.

II. Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và sự phối hợp có hiệu quả của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được xã hội hóa. Ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nâng cao. Kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ các cấp, các ngành:

Công tác truyền thông về công tác chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chú trọng bằng việc xuất bản các ấn phẩm truyền thông, lồng ghép các chương trình, các chuyên mục trên Đài truyền hình, truyền thanh, báo Phú Thọ như giới thiệu gương người tốt việc tốt, các mô hình, điển hình; lên án những hành vi xâm hại trẻ em. Thực hiện đa dạng hóa các kênh thông tin, theo dõi việc thực hiện công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó công tác truyền thông, vận động xã hội được xây dựng phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào những địa phương có đông đối tượng, vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Giúp cán bộ và người dân nhận thức rõ trách nhiệm, lợi ích khi trợ giúp trẻ em tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đồng thời vận động gia đình, cộng đồng, xã hội tham gia chấp hành chính sách, pháp luật về trẻ em, tích cực xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

2. Công tác trợ giúp xã hội.

- Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng: Toàn tỉnh có 2.494 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng, bao gồm: trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng với mức trợ cấp hàng tháng thấp nhất là 180.000 đồng, cao nhất là 450.000 đồng; có 304 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được các gia đình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng.

- Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong các cơ sở bảo trợ xã hội: Hiện có 297 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 6 cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác chăm sóc trẻ tại các cơ sở bảo trợ cơ bản được thực hiện tốt, trong đó tại Làng trẻ SOS Việt Trì nuôi dưỡng 142 mồ côi cả cha lẫn mẹ, các em có được môi trường sống tốt để học tập và rèn luyện, kết quả tính trong 5 năm (2009 – 2013) số trẻ đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi: 03 giải quốc gia, 36 giải cấp tỉnh và 117 giải cấp thành phố; số trẻ khuyết tật được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và tàn tật Việt Trì, Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và khuyết tật huyện Thanh Ba là 95 trẻ chủ yếu là trẻ khiếm thị, câm điếc và khuyết tật vận động, các trung tâm đã kết hợp cho trẻ vừa học văn hóa, chữa bệnh và học nghề, chủ yếu là các nghề thêu, may, cắt tóc gội đầu, làm tranh đá ...nhiều trẻ sau khi học tập tại trung tâm đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định . Năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập (mức nuôi dưỡng trẻ em mồ côi được điều chỉnh từ 360.000 đồng/tháng lên 850.000 đồng/tháng; mức nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật được điều chỉnh từ 450.000 đồng/tháng lên 1.000.000 đồng/tháng).

- Trợ giúp trẻ em khuyết tật chỉnh hình và phục hồi chức năng: Toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật về mắt, sứt môi, hở vòm miệng; chỉnh hình và cấp xe lăn cho trẻ có tật về vận động; vận động các hội, các tổ chức cá nhân trong nước và ở nước ngoài tổ chức thường xuyên các đợt khám và phục hồi chức năng miễn phí cho trẻ khuyết tật.

- Các hình thức hỗ trợ khác như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ, kịp thời; chương trình học bổng cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được duy trì cùng với việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập đã góp phần giúp các em tránh được nguy cơ bỏ học; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chăm lo việc tổ chức vui chơi, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, Trung thu – Ngày trẻ em Phú Thọ ... đã động viên khích lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nỗ lực vươn lên chăm ngoan, học giỏi, hòa nhập cộng đồng.

3. Triển khai mô hình điểm “Nhà xã hội trong trung tâm”.

Năm 2008, thực hiện chương trình thí điểm tổ chức lại việc quản lý, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại một số cơ sở bảo trợ xã hội theo mô hình “gia đình nhỏ”, Phú Thọ được chọn triển khai mô hình tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Sau khi xây dựng, mô hình đã được đưa vào vận hành, hoạt động hiệu quả góp phần tạo môi trường gia đình trong cơ sở bảo trợ xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sinh sống tại cơ sở. Tuy nhiên, về căn bản mô hình vẫn đặt trong cơ sở bảo trợ xã hội nên trẻ em ở đây vẫn bị tách biệt với cộng đồng, chưa tạo được một môi trường gia đình thay thế thực sự cho trẻ.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn gặp một số khó khăn hạn chế như: Ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp, trình độ dân trí không đều dẫn đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn hạn chế; các biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống làm gia tăng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng. Hậu quả chiến tranh để lại còn khá nặng nề, môi trường sống bị ô nhiễm và bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học cũng gây nên sự gia tăng dị dạng, dị tật bẩm sinh ở trẻ em; Công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa sâu rộng, liên tục. Công tác phối hợp liên ngành chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, các quy định can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa cụ thể. Một bộ phận gia đình, cộng đồng chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Số lượng trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong dân số, trong khi nguồn ngân sách và kinh phí vận động còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phần thứ hai:

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN DỰA VÀO CỘNG ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2014 – 2020

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp.

- Phát triển các hình thức nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và cộng đồng.

- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội và các chế độ trợ giúp khác;

- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có khả năng học tập, được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức;

- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đủ điều kiện theo quy định được cấp thẻ BHYT miễn phí;

II. Đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện

1. Đối tượng: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa; gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

2. Phạm vi thực hiện: Triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2020.

III. Nội dung kế hoạch

1. Thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và một số mô hình trợ giúp khác

a) Thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

Triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa trên hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Năm 2015, lựa chọn 01 huyện để triển khai mô hình đến năm 2017 tiến hành nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng là loại hình dịch vụ phúc lợi trẻ em. Dịch vụ này cung cấp sự chăm sóc gia đình thay thế trong một thời hạn định trước cho những trẻ em bị mất đi gia đình ruột thịt vì lý do khó khăn hay khủng hoảng trong gia đình. Việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được thực hiện tại một gia đình chăm sóc thay thế tạm thời được sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời có sự giám sát của nhân viên công tác xã hội. Mô hình này là một giai đoạn chuyển đổi trong đời sống của trẻ, diễn ra khi các kế hoạch lâu dài đang được triển khai để đoàn tụ trẻ với gia đình hoặc cho trẻ đi làm con nuôi.

b) Xây dựng mô hình cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ em bị tự kỷ, bị bệnh Down, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác:

Hỗ trợ các trang thiết bị cho các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục trẻ em bị tự kỷ, bị bệnh Down, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt (trong đó ưu tiên hỗ trợ Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật huyện Thanh Ba).

Ngân sách Trung ương hỗ trợ trang bị ban đầu cho một số mô hình trong thời gian triển khai thí điểm. Kinh phí bảo đảm cho cơ sở hoạt động gồm: Thu phí sử dụng dịch vụ từ gia đình, người giám hộ đối tượng; hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

c) Xây dựng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu được học những nghề có khả năng tìm được việc làm phù hợp:

- Đẩy mạnh hình thức đào tạo nghề ngay tại nơi sản xuất, kinh doanh với hình thức vừa học vừa làm, sau thời gian học nghề, các em có thể được nhận vào làm việc ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh, hoặc cơ sở sản xuất đảm bảo tiêu thụ sản phẩm của các em nếu các em tự tạo việc làm.

- Hỗ trợ kinh phí giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, tìm việc làm ngay tại gia đình, tại nơi cư trú. Mức hỗ trợ chi phí học nghề, tiền ăn và chi phí đi lại theo mức quy định với người lao động nông thôn thuộc hộ nghèo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Thông tư liên tịch số 112/2010/TTT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

2.1. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội: Các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng còn hạn chế; thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học. Diện tích nhà ở, nhà làm việc, sân chơi, trang thiết bị y tế, giáo dục, hệ thống xử lý chất thải, rác thải và cơ sở vật chất khác chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho đối tượng . Một số cơ sở được xây dựng từ lâu, nay xuống cấp, không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến đời sống đối tượng. Việc triển khai nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh dựa trên quy hoạch chung của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phê duyệt, trong đó chú trọng điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và quy mô chăm sóc tại các cơ sở có nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

2.2. Nghiên cứu xây dựng thí điểm ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại địa phương, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cập nhật và truyền tải dữ liệu chính xác, kịp thời các dữ liệu và hệ thống chỉ tiêu, giám sát đánh giá liên quan thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các cơ sở bảo trợ xã hội, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và quy hoạch chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một cách hiệu quả, bền vững. Cụ thể:

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống máy tính tại cơ sở bảo trợ xã hội và các địa phương;

- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về bảo trợ xã hội;

- Theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá.

4. Truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

Thực hiện truyền thông đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức nhằm vận động, huy động gia đình, cộng đồng, xã hội tham gia chấp hành pháp luật về trẻ em, tích cực xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh và thân thiện đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thông qua công tác truyền thông giới thiệu gương người tốt, việc tốt và các mô hình, điển hình về phong trào chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng; lên án những hành vi xâm hại trẻ em; nâng cao tinh thần tương thân tương ái, nhận thức, kiến thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc chăm sóc, bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn tại gia đình và cộng đồng.

5. Giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

- Khảo sát, rà soát, phân loại đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chính sách, pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

- Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phục vụ yêu cầu chỉ đạo quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch;

- Nghiên cứu học tập kinh nghiệm trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một số tỉnh thành có mô hình hiệu quả;

- Sơ kết, tổng kết đánh giá Kế hoạch thực hiện Đề án.

IV. Giải pháp

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là nội dung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1555/2012/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

4. Tiếp tục rà soát, thu thập thông tin, phân loại đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sống ở cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch thực hiện ở các cấp. Đồng thời, nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phục vụ yêu cầu chỉ đạo quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch.

5. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

6. Hỗ trợ trẻ em khuyết tật chỉnh hình và phục hồi chức năng: Vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng. Tiếp tục chỉ đạo thí điểm và nhân rộng mô hình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng.

7. Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề, tạo việc làm: Xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ trẻ em đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ.

8. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cấp huyện và cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai kế hoạch đến năm 2020.

9. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

IV. Kinh phí

Kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2020, khái toán là 14.861 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương cấp: 12.261 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 2.300 triệu đồng;

- Nguồn huy động hợp pháp khác: 300 triệu đồng.

(Chi tiết dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo Phụ lục số 01 kèm theo)

Hàng năm, căn cứ Kế hoạch đã được phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị xây dựng dự toán ngân sách gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Phương án huy động kinh phí

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh, huyện, xã theo phân cấp hiện hành và huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua các hoạt động như dạy nghề, tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người khuyết tật,…

- Tổ chức tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án khác với thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Đề án 647 trên địa bàn tỉnh.

- Kinh phí thực hiện các chính sách hiện hành cho trẻ em như: trợ giúp xã hội thường xuyên, mua thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ miễn, giảm học phí trong giáo dục và đào tạo, tham gia giao thông công cộng, các công trình văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…; kinh phí kiểm tra, giám sát, quản lý thực hiện các chính sách về trẻ em.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nội dung của kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức khảo sát, rà soát, thống kê, phân loại các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đánh giá tình hình biến động cũng như xây dựng các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới;

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các ngành, các huyện, thành, thị triển khai thực hiện tốt kế hoạch này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình kết quả cho UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan và địa phương vận động các nguồn viện trợ nước ngoài cho công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

4. Sở Y tế: Có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức khám chữa bệnh, phân loại số trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm chất độc hoá học; chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai mô hình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Lao động – TBXH chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.

7. Sở Tư pháp: Trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và các địa phương có kế hoạch đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng nội dung luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các văn bản của Trung ương về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.

9. Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Xây dựng chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền phổ biến Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nêu gương điển hình của các em biết vượt qua số phận, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu đồng thời lên án những hành vi xâm hại trẻ em,

10. UBND các huyện, thành, thị: Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai và thực hiện tại địa phương; chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát thực hiện công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK trên địa bàn; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương đảm bảo cho việc thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn; đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện chương trình.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011- 2020. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi trẻ em theo luật định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- Cục BTXH (Bộ LĐTBXH),
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- CVP, các PVP;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu: VT, VX3, NCTH; (Đ - 90b).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Kế San

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 4065/KH-UBND

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu4065/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/09/2014
Ngày hiệu lực23/09/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 4065/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2104 chăm sóc trẻ em mồ côi bỏ rơi nhiễm HIV 2014 2020 Phú Thọ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2104 chăm sóc trẻ em mồ côi bỏ rơi nhiễm HIV 2014 2020 Phú Thọ
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu4065/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Phú Thọ
                Người kýHà Kế San
                Ngày ban hành23/09/2014
                Ngày hiệu lực23/09/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2104 chăm sóc trẻ em mồ côi bỏ rơi nhiễm HIV 2014 2020 Phú Thọ

                      Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 4065/KH-UBND năm 2104 chăm sóc trẻ em mồ côi bỏ rơi nhiễm HIV 2014 2020 Phú Thọ

                      • 23/09/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 23/09/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực