Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC

Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC về quy chế tổ chức hoạt động của Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC quy chế tổ chức hoạt động Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4100/1998/QĐ-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 8 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC THÚ Y THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Nghị định số 93/CP ngày 27 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh Thú y ;
- Căn cứ Quyết định số 694/NN-TY/QĐ ngày 11 tháng 12 năm 1993 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Chi Cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở ;
- Căn cứ Quyết định số 825/QĐ-UB-NC ngày 23-3-1994 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiện toàn tổ chức Chi Cục Thú y thành phố ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tại công văn số 27/CV-NN ngày 13 tháng 01 năm 1998 và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố tại công văn số 83/TCCQ ngày 27 tháng 5 năm 1998 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC THÚ Y THÀNH HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo quyết định số 4100/1998/QĐ-UB-NC ngày 08 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Chương I

VỊ TRÍ-CHỨC NĂNG-NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN.

Điều 1. - Vị trí :

1. Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thú y.

2. Chi Cục Thú y là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện chế độ hạch toán tự trang trải kinh phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản ở ngân hàng (kể cả tài khoản ngoại tệ) theo quy định của Nhà nước.

Điều 2. - Chức năng :

Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về công tác thú y trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán, phòng-chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc động vật lưu thông tiêu dùng trong nước, quản lý thuốc thú y trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo sự phân công và hướng dẫn của Cục Thú y.

Điều 3. - Nhiệm vụ :

1. Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về công tác thú y trong phạm vi thành phố trên cơ sở chủ trương của ngành và của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Tổ chức thực hiện việc theo dõi, phát hiện, chẩn đoán, xác định dịch bệnh động vật, thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh, đề xuất chủ trương và hướng dẫn biện pháp phòng-chống dịch bệnh, ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch động vật xảy ra trên địa bàn thành phố và quản lý các ổ dịch cũ. Định kỳ kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các cơ sở có hoạt động liên quan đến công tác thú y của thành phố và của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố theo sự phân công của Cục Thú y.

3. Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông vận chuyển trên địa bàn thành phố ; kiểm soát giết mổ động vật ; kiểm tra vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, kiểm tra vệ sinh thú y thức ăn chăn nuôi trong phạm vi thành phố.

Tổ chức và thực hiện kiểm dịch động vật ở một số cửa khẩu, đầu mối giao thông theo sự phân công của Cục Thú y.

4. Tổ chức và thực hiện khử trùng, tiêu độc các cơ sở có hoạt động liên quan đến công tác thú y ; các phương tiện vận chuyển động vật ; sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.

5. Quản lý Nhà nước về thuốc thú y trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật ; trực tiếp quản lý, hướng dẫn, sử dụng các loại vacxin để phòng-chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố. Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quản lý quỹ dự trữ về thuốc thú y ở thành phố.

6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ chính sách, chuyên môn nghiệp vụ thuộc chuyên ngành và khuyến nông về thú y. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên thú y ở cơ sở sản xuất ; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác thú y, về pháp luật, chế độ chính sách, kiến thức phổ thông có liên quan đến lãnh vực thú y.

7. Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác thú y và các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố được Cục Thú y phân công. Tiến hành khảo sát, thực nghiệm và chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành thú y ; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thú y theo quy định chung của Nhà nước.

8. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, quản lý thuốc thú y và các hoạt động khác liên quan đến công tác thú y ở thành phố theo quy định của Cục Thú y.

Điều 4. - Quyền hạn :

1. Cấp, thu hồi các loại giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, giấy chứng nhận vệ sinh thú y, giấy phép hành nghề thú y, dịch vụ thú y ở thành phố ; được thu công dịch vụ thú y, lệ phí và phí tổn về công tác thú y theo hướng dẫn của Cục Thú y và các ngành có liên quan.

2. Quản lý các đơn vị trực thuộc Chi Cục : các Trạm Thú y quận-huyện ; các Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông trên địa bàn thành phố ; các Trạm chuyên ngành ; các cơ sở dịch vụ kỹ thuật thú y.

3. Tổ chức và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thú y của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác thú y ; xử lý các vi phạm hành chánh về công tác thú y ; giải quyết tranh chấp và khiếu nại, tố cáo về thú y trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền. Quản lý chỉ đạo thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức, định mức khoa học kỹ thuật, thực hiện các chế độ chính sách về thú y.

4. Thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và Cục Thú y, Chi Cục Thú y được quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin về khoa học-kỹ thuật trong lãnh vực thú y với nước ngoài theo quy định của Nhà nước.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY.

Điều 5. - Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi Cục Thú y thành phố gồm có :

1. Ban lãnh đạo Chi Cục :

Lãnh đạo Chi Cục Thú y có Chi Cục Trưởng và có từ 01 đến 03 Phó Chi Cục Trưởng. Chi Cục Trưởng phải là Bác sĩ thú y, các Phó Chi Cục Trưởng phụ trách kỹ thuật là Bác sĩ thú y hoặc Kỹ sư chăn nuôi thú y hoặc Kỹ sư chăn nuôi đã hoạt động trong ngành thú y từ 5 năm trở lên. Chi Cục Trưởng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quyết định bổ nhiệm sau khi được Cục Trưởng Cục Thú y thỏa thuận. Phó Chi Cục Trưởng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y.

2. Bộ máy giúp việc :

2.1- Bộ máy giúp việc Chi Cục Trưởng gồm có các phòng :

- Tổ chức-Hành chánh

- Kế hoạch – Tổng hợp – Vi tính.

- Tài chánh-Kế toán.

- Thanh tra Thú y và Pháp chế.

Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng và có từ 01 đến 02 Phó Trưởng Phòng giúp việc. Chi Cục Trưởng quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm Trưởng, Phó phòng.

Xét yêu cầu công tác thực tế từng giai đoạn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quyết định sắp xếp bộ máy giúp việc theo đề nghị của Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y.

2.2- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế cụ thể của bộ máy giúp việc do Chi Cục Trưởng quyết định, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả và hiệu lực.

Riêng Thanh tra thú y : thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính Phủ, Quyết định số 36/NN-TY-QĐ ngày 25/01/1994 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và theo Quyết định số 1185/QĐ-UB-NC ngày 01/04/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố. Thanh tra thú y có 01 Chánh Thanh tra và có từ 01 đến 02 Phó Chánh Thanh tra giúp việc. Chánh Thanh tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Phó Chánh Thanh tra do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y.

3. Các đơn vị trực thuộc Chi Cục Thú y:

3.1- Các Trạm Thú y quận-huyện :

Được thành lập ở tất cả các quận-huyện ; Trạm Thú y quận-huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp quận-huyện quản lý Nhà nước về công tác thú y trên địa bàn ; hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành pháp luật về thú y ; thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán, điều trị, dịch vụ thú y, tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho động vật ; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật ; kiểm tra vệ sinh thú y ; quản lý thuốc thú y ; tổ chức và thực hiện việc khử trùng, tiêu độc các cơ sở có hoạt động liên quan đến công tác thú y ; thực hiện công tác khuyến nông về thú y trong quận-huyện ; quản lý mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn theo sự phân công và hướng dẫn của Chi Cục Thú y thành phố.

Trạm Thú y quận-huyện có 01 Trưởng Trạm và 01 đến 02 Phó Trưởng Trạm do Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y quyết định, có tham khảo ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện. Trạm Thú y quận-huyện có con dấu riêng, hạch toán báo sổ về Chi Cục Thú y theo chế độ hiện hành ; biên chế do Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y quyết định.

3.2- Các Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông :

1- Trạm Kiểm dịch động vật An Sương : đặt tại ngã tư An Sương trên Quốc lộ 1A thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

2- Trạm Kiểm dịch động vật An Lạc : đặt tại Quốc lộ 1A xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh

3- Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức : đặt tại ngã ba xa lộ Hà Nội – Đại Hàn trên Quốc lộ 1A thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức.

4- Trạm Kiểm dịch động vật Bình Phước : đặt tại ngã tư Bình Phước trên Quốc lộ 13 thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

5- Trạm Kiểm dịch động vật Xuân Hiệp : đặt tại ngã tư Xuân Hiệp trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn phường Linh Xuân, quận Thủ Đức.

6- Trạm Kiểm dịch động vật Bình Hưng : đặt tại Quốc lộ 50 thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông được thực hiện theo công văn số 34/TY-KD ngày 08/02/1995 của Cục Thú y “Hướng dẫn thực hiện tổ chức và hoạt động các Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông đường bộ”.

- Các Trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông có Trưởng Trạm, Phó Trưởng Trạm, các Kiểm dịch viên, các Kỹ thuật viên. Trưởng Trạm, Phó Trưởng Trạm do Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y quyết định. Trạm có con dấu riêng, hạch toán báo sổ về Chi Cục Thú y theo quy định hiện hành.

3.3- Các Trạm chuyên ngành :

3.3.1- Trạm phòng-chống dịch và kiểm dịch động vật có nhiệm vụ :

- Tham mưu cho Chi Cục Thú y về công tác khoa học kỹ thuật chuyên ngành đối với phòng-chống dịch, phòng trừ bệnh dại, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y.

- Hướng dẫn các Trạm Thú y quận-huyện, các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh động vật biện pháp phòng chống dịch và kiểm dịch động vật theo quy định tại Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính Phủ, Quyết định số 389/NNTY/QĐ ngày 15/04/1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và điều lệ phòng-chống dịch kiểm dịch động vật và các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Kiểm tra thực hiện phòng-chống dịch, kiểm dịch động vật… ở các đơn vị trực thuộc theo sự ủy quyền của Chi Cục Thú y.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến để phục vụ công tác trong Ngành thú y.

- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, xây dựng qui trình kỹ thuật và kiểm tra việc thực hiện qui trình kỹ thuật.

- Định kỳ kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y và kiểm dịch xuất tỉnh tại các cơ sở hoạt động liên quan đến thú y theo chỉ đạo và ủy quyền của Chi Cục Thú y.

- Tổ chức và thực hiện việc khử trùng tiêu độc tại các cơ sở có liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo sự phân công của Chi Cục Thú y.

- Tổ chức đào tạo mạng lưới thú y các quận-huyện ; tuyên truyền Pháp lệnh thú y, tập huấn và triển khai chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật trong ngành.

- Xây dựng kế hoạch dự trữ vacxin, thuốc phòng-chống dại, chương trình phòng dịch từ xa.

- Hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thú y trong ngành.

- Tổ chức và thực hiện bắt chó chạy rong trên địa bàn thành phố và các biện pháp phòng-chống bệnh dại theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dại thành phố Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học kỹ thuật theo sự phân công của Chi Cục Thú y.

- Xây dựng các tổ bộ môn chuyên sâu vào lĩnh vực đại gia súc, tiểu gia súc, gia cầm, thú hoang dã.

- Trạm có Trưởng Trạm và có từ 01 đến 02 Phó Trưởng Trạm giúp việc, Chi Cục Trưởng quyết định việc bổ nhiệm trưởng, phó trạm. Trạm có con dấu riêng, biên chế của Trạm do Chi Cục Trưởng quyết định.

3.3.2- Trạm kiểm tra vệ sinh thực phẩm chợ An Lạc :

Có nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc động vật tại chợ An Lạc theo quy định của ngành thú y. Trạm có con dấu riêng.

3.3.3- Trạm kiểm soát giết mổ Vissan :

Có nhiệm vụ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại Nhà máy giết mổ công nghiệp Vissan. Trạm có con dấu riêng.

3.3.4- Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị có nhiệm vụ :

- Phân tích, kiểm nghiệm các sản phẩm sau đây để làm cơ sở cho công tác pháp lý về mặt dịch tể, xử lý, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại :

+ Các mẫu bệnh phẩm gia súc, gia cầm, máu động vật.

+ Các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

+ Các loại thực phẩm dùng để chăn nuôi các loại động vật.

+ Các loại dược phẩm dùng trong công tác thú y.

+ Nước và môi trường chăn nuôi.

- Xét nghiệm, phân tích các loại động vật, bệnh phẩm của động vật để có các kết quả cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh của các loại động vật, nhằm thực hiện phòng-chống dịch bệnh có hiệu quả.

- Ứng dụng kết hợp chẩn đoán lâm sàng với cận lâm sàng trong điều trị bệnh gia súc.

- Phục vụ các công tác bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ thú y. Đào tạo chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác điều trị.

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu và dịch thuật các tài liệu khoa học-kỹ thuật nước ngoài.

- Lưu trữ các tài liệu khoa học-kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu công tác nghiên cứu của ngành thú y.

- Đề xuất đầu tư trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho các quận-huyện trong công tác điều trị gia súc đối với các ca khó do quận-huyện chuyển về.

- Điều trị bệnh nội, ngoại khoa, phẫu thuật, thẩm mỹ tạo hình cho động vật.

- Được tổ chức Bệnh xá thú y (khi có điều kiện) để điều trị nội trú (lưu thú bệnh) cho động vật và thú hoang dã.

3.3.5- Đội cơ động có nhiệm vụ :

- Điều tra, phát hiện và kiểm tra lưu động đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm Pháp lệnh thú y và các quy định của ngành thú y.

- Cưỡng chế việc thi hành các quyết định xử lý với các đối tượng vi phạm pháp lệnh thú y (thú bị dịch bệnh, thịt kém phẩm chất phải xử lý…).

- Hỗ trợ cán bộ thú y và giám sát việc thực hiện các kết luận đã xử lý của thú y đối với các đối tượng vi phạm.

3.4- Hệ thống cửa hàng cung ứng thuốc và các cơ sở dịch vụ kỹ thuật thú y :

Các cơ sở sản xuất-kinh doanh thuốc, vật tư thú y hoạt động theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Chi Cục Thú y do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Các cơ sở dịch vụ kỹ thuật thú y, thụ tinh nhân tạo cho động vật được hạch toán độc lập, trực thuộc Chi Cục Thú y thì do Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y đề nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quyết định.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI THÚ Y CƠ SỞ.

Điều 6. - Các doanh nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị trú đóng, hoạt động trên địa bàn thành phố có hoạt động liên quan đến công tác thú y phải có tổ chức thú y thích hợp để thực hiện công tác thú y của cơ sở và chịu sự quản lý Nhà nước về thú y của Chi Cục Thú y thành phố theo phân công của Cục Thú y.

Điều 7.

1. Ở các xã, phường, thị trấn có Ban thú y xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân phường-xã quản lý công tác thú y về :

- Phát hiện và báo cáo tình hình dịch bệnh động vật với Trạm thú y quận-huyện ; thực hiện việc tiêm phòng, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật, thiến hoàn cho gia súc, thụ tinh nhân tạo, dịch vụ cung ứng thuốc thú y hoặc các dịch vụ kỹ thuật thú y khác theo sự phân công của Chi Cục Thú y.

- Kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ hoặc nơi tập trung mua bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật tại lò mổ, điểm giết mổ động vật tại địa phương theo sự phân công của Chi Cục Thú y thành phố.

2. Ban thú y xã-phường, thị trấn có Trưởng ban và một số kỹ thuật viên thú y được hưởng thù lao lao động kỹ thuật thú y theo hướng dẫn của Chi Cục Thú y bằng mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định từng thời kỳ. Nguồn kinh phí trả cho thù lao lao động kỹ thuật thú y được trích từ nguồn thu của Chi Cục Thú y thành phố.

3. Tiêu chuẩn của người tham gia vào mạng lưới thú y cơ sở :

- Đã được đào tạo chuyên ngành chăn nuôi, chăn nuôi thú y từ các Trường Đại học, Trung học chuyên ngành của Nhà nước hoặc đã qua các lớp đào tạo, tập huấn của Chi Cục Thú y, có văn bằng của Trường hoặc giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo, tập huấn của Chi Cục Thú y thành phố.

- Có giấy phép hành nghề thú y do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Mạng lưới thú y cơ sở chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân phường-xã về mặt hành chính và chịu sự hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật của Trạm Thú y quận-huyện, có trách nhiệm chấp hành đúng pháp luật Nhà nước về công tác thú y. Tham gia sinh hoạt định kỳ với Trạm Thú y quận-huyện, định kỳ báo cáo kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân phường-xã và Trạm Thú y quận-huyện.

Chương IV

TÀI CHÍNH.

Điều 8. - Chi Cục Thú y thành phố là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán theo chế độ tự trang trải kinh phí.

Chương V

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.

Điều 9. - Đối với Cục Thú y :

Chi Cục Thú y thành phố chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Thú y. Chi Cục Thú y thành phố có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, thông tin tình hình dịch bệnh và các công tác khác của Chi Cục theo qui định của ngành.

Điều 10. - Đối với Ủy ban nhân dân thành phố :

Chi Cục Thú y thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về công tác thú y trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố để giao nhiệm vụ kế hoạch hàng năm cho Chi Cục Thú y và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý các vấn đề phát sinh về kinh tế kế hoạch, kỹ thuật và tài chánh của Chi Cục Thú y.

Điều 11. - Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố :

Chi Cục Thú y thành phố chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố về toàn bộ hoạt động của Chi Cục Thú y, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo sự phân công phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố và quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố.

Điều 12. - Đối với sở-ngành thành phố có liên quan (Công an thành phố, Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Thương mại,…) :

Chi Cục Thú y thành phố có trách nhiệm cùng phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chánh trong lãnh vực thú y về phòng-chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và các công tác khác khi có yêu cầu.

Điều 13. - Đối với Ủy ban nhân dân quận-huyện :

Chi Cục Thú y thành phố thông qua Trạm Thú y quận-huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thú y trên địa bàn quận-huyện.

Trạm Thú y quận-huyện chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân quận-huyện trong các chức năng quản lý Nhà nước về mặt địa bàn lãnh thổ. Trạm Thú y quận-huyện có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng và các cơ quan có liên quan khác của quận-huyện để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chi Cục Thú y thành phố.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 14. - Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi Cục Thú y gồm 6 chương và 14 điều.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ. Việc bổ sung, sửa đổi quy chế này phải được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có hiệu lực thi hành./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 4100/1998/QĐ-UB-NC

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu4100/1998/QĐ-UB-NC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/08/1998
Ngày hiệu lực08/08/1998
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 4100/1998/QĐ-UB-NC

Lược đồ Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC quy chế tổ chức hoạt động Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC quy chế tổ chức hoạt động Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu4100/1998/QĐ-UB-NC
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýLê Thanh Hải
                Ngày ban hành08/08/1998
                Ngày hiệu lực08/08/1998
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC quy chế tổ chức hoạt động Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh

                          Lịch sử hiệu lực Quyết định 4100/1998/QĐ-UB-NC quy chế tổ chức hoạt động Chi Cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh

                          • 08/08/1998

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 08/08/1998

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực