Công văn 3265/LĐTBXH-VP

Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7


BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH  VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 3265/LĐTBXH-VP
V/v trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2010

 

Kính gửi: Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trả lời Công văn số 192/BDN ngày 6 tháng 7 năm 2010 của Ban Dân nguyện về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin báo cáo như sau:

I. VỀ LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG

1. Quan tâm đầu tư xây dựng khu nhà nội trú cho công nhân là người dân tộc thiểu số và lao động từ các huyện đến làm việc tại các khu công nghiệp tập trung của tỉnh (Cử tri tỉnh Gia Lai – KN số 27):

Về chính sách nhà ở đối với công nhân nói chung và công nhân tại các khu công nghiệp nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ngày 20 tháng 4 năm 2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Nghị quyết giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp theo quy định của Nghị quyết này và giao cho Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Ngày 24 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, trong đó giao Bộ Xây dựng theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Quyết định này, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Vì vậy, đề nghị cử tri gửi kiến nghị này tới Bộ Xây dựng để được trả lời theo thẩm quyền. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án “Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tại các khu sản xuất tập trung”.

2. Nhà nước cần có chính sách để nâng cao thu nhập cho công nhân ở các khu công nghiệp, hiện nay mức thu nhập tối thiểu của công nhân không đảm bảo cho mức sống tối thiểu (Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc – KN số 95):

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu trên cơ sở mức tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung – cầu lao động và chỉ số giá tiêu dùng nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động làm công việc giản đơn. Các mức lương khác là do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cao hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định (không hạn chế mức thu nhập cao đối với người lao động).

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay do thị trường lao động ở nước ta mới phát triển ở giai đoạn đầu, năng lực thỏa thuận của người lao động cũng như sự hỗ trợ thương lượng của tổ chức công đoàn cơ sở còn hạn chế nên vẫn còn một số doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất) lợi dụng tâm lý muốn kiếm việc làm của người lao động để ép tiền lương, tiền công của người lao động. Mặt khác, do các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khả năng sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên phúc lợi thấp, điều kiện sinh hoạt, đời sống của một bộ phận người lao động rất khó khăn. Để khắc phục dần tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý lao động địa phương, Liên đoàn lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động; nâng cao năng lực thỏa thuận tiền lương của người lao động thông qua thúc đẩy thành lập và nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương và xử lý nghiêm những doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

3. Đề nghị Bộ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại các quy định còn thiếu, bất cập về thực hiện pháp luật về lao động, trong đó lưu ý các quy định liên quan đến bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động, tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở và mối quan hệ giữa tổ chức này với đơn vị sử dụng lao động. Trên cơ sở đó ban hành các văn bản phù hợp, kịp thời để các cơ quan chức năng thực hiện, đảm bảo khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động tích cực tham gia đóng góp và được bảo đảm quyền lợi chính đáng của đơn vị sử dụng lao động và cho người lao động (Cử tri tỉnh Quảng Ngãi – KN số 96):

Hiện nay, thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII và Chương trình công tác của Chính phủ năm 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện dự án sửa đổi Bộ luật Lao động, trên cơ sở tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành để từ đó kế thừa và phát triển các quy định phù hợp đã đi vào cuộc sống, sửa đổi các quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; khuyến khích xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, ổn định.

Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII năm 2011 (cùng với dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi).

Sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành sớm trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành để các cơ quan chức năng thực hiện, đảm bảo khuyến khích đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động tích cực tham gia pháp luật lao động và được bảo đảm quyền lợi chính đáng như kiến nghị của cử tri đã đề cập.

4. Đề nghị Chính phủ xem xét lại việc quy định mức lương tối thiểu vùng như hiện nay không còn phù hợp vì đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giá cả các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt đời sống bao giờ cũng cao hơn so với thành thị, trong khi mức lương tối thiểu vùng được quy định ở mức thấp nhất (Cử tri tỉnh Kiên Giang – KN số 97):

Theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Lao động và Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương thì ngoài việc xác định, điều chỉnh dựa trên chỉ số giá sinh hoạt, mức lương tối thiểu còn được xác định và điều chỉnh dựa trên khả năng kinh tế, cung – cầu lao động (mức tiền công trên thị trường, khả năng chi trả của các doanh nghiệp), đồng thời có tính đến việc thu hút, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng. Vì vậy, mức lương tối thiểu quy định đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thường thấp hơn so với khu vực thành thị.

Để khắc phục những điều kiện không thuận lợi của vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa được tính trong lương tối thiểu, Chính phủ đã quy định một số chế độ phụ cấp lương, như: phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động áp dụng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước; đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, Chính phủ quy định các doanh nghiệp được quyền quyết định các khoản phụ cấp, trợ cấp hoặc vận dụng các khoản phụ cấp của Nhà nước để chi trả cho người lao động làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

5. Tại công văn số 4107/LĐTBXH-LĐTL ngày 30/10/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sông thuộc địa phương được áp dụng chế độ ăn giữa ca và được lập dự toán kinh phí theo quy định. Nhưng hiện tại mới có hướng dẫn lập dự toán mục ăn giữa ca đối với công tác quản lý, sửa chữa đường sông. Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn mức ăn giữa ca đối với các đơn vị làm công tác quản lý, sửa chữa đường bộ để áp dụng thống nhất và kịp thời trên phạm vi toàn quốc (Cử tri tỉnh Ninh Bình – KN số 98):

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Mục I Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước thì các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội quần chúng tự trang trải về tài chính thuộc phạm vi áp dụng chế độ ăn giữa ca. Về vấn đề này, ngày 28/5/2010 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 1699/LĐTBXH-LĐTL gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình đề nghị căn cứ vào quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng đơn vị làm công tác quản lý, sửa chữa đường bộ của tỉnh để áp dụng chế độ ăn ca theo đúng quy định của Nhà nước (đây là công văn trả lời, giải thích rõ Thông tư nêu trên cho Sở Giao thông vận tải biết).

6. Đề nghị hỗ trợ cho những đối tượng đã nghỉ chế độ theo Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại lao động dôi dư trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Trước đây việc giải quyết chế độ cho những đối tượng này khi nghỉ rất thấp, có nhiều thiệt thòi so với chế độ hiện hành (Cử tri tỉnh Tuyên Quang – KN số 102)

Chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT được ban hành phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của những năm đầu thập niên 1990. Tại thời điểm đó, chính sách đã tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường mà có nhiều lao động không bố trí, sắp xếp được việc làm. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm mới để nâng cao thu nhập. Chính sách này được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu hai bên: doanh nghiệp không bố trí được việc làm, người lao động tự nguyện làm đơn xin thôi việc để nhận trợ cấp một lần, nên được cả doanh nghiệp và người lao động đồng tình thực hiện, dư luận hoan nghênh.

Thời gian qua, một số người lao động nghỉ việc nhận trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT kiến nghị nhà nước có chính sách trợ cấp thêm hoặc đề nghị trả lại số tiền trợ cấp đã nhận để hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động đối với người lao động có thời gian công tác từ đủ 15 năm trở lên. Để đảm bảo tính phù hợp của hệ thống chính sách, pháp luật trong từng thời kỳ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhiều lần báo cáo với các cơ quan liên quan và đề nghị không thể giải quyết theo kiến nghị của cử tri được. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp thì được xem xét trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.

II. VỀ LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình QH xem xét, sửa đổi một số nội dung trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), cụ thể:

- Điều 92: Đề nghị đối với những đơn vị sử dụng dưới 100 lao động thực hiện thu đủ 20% vào quỹ BHXH, không để lại 2% chi trả trợ cấp ngắn hạn tại đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) như quy định hiện nay để tránh việc các đơn vị SDLĐ có số lao động ít, kinh phí 2% để lại không nhiều nên không đủ thanh toán chế độ ngắn hạn cho người lao động (NLĐ), trong khi chờ hết quý để thanh toán với cơ quan BHXH và cấp bù kinh phí đơn vị không có nguồn để tạm ứng chi trả cho NLĐ, do đó phần lớn các đơn vị chờ cơ quan BHXH thẩm định xong mới chi trả trợ cấp cho NLĐ, dẫn đến việc thanh toán chế độ chậm cho đối tượng được hưởng.

- Điều 64 và Điều 66: Theo quy định hiện nay có hai hình thức hưởng trợ cấp tuất là: hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và hưởng trợ cấp tuất một lần. Đối với trường hợp có đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng thì bắt buộc phải hưởng trợ cấp hàng tháng mà không được trợ cấp một lần. Quy định như vậy rất khó khăn trong việc giải quyết cho các trường hợp thân nhân ở xa. Vì vậy đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình QH xem xét, sửa đổi quy định này để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất có quyền lựa chọn một trong hai hình thức trên (Cử tri các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh – KN số 58):

1.1. Về đề nghị đối với đơn vị sử dụng dưới 100 lao động thực hiện thu đủ, không để lại 2% phần đóng vào quỹ ốm đau và thai sản:

Theo quy định của Luật BHXH thì người sử dụng lao động (không phân biệt sử dụng nhiều hay ít lao động) giữ lại 2% trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động để chi trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH; và trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

Với quy định trên thì người sử dụng lao động được chủ động trong việc giải quyết chế độ ốm đau và thai sản đối với người lao động thuộc đơn vị mình, đảm bảo chi trả chế độ kịp thời cho người lao động.

Đối với trường hợp số tiền để lại không đủ thanh toán chế độ cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn tại Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007, theo đó người sử dụng lao động được chủ động quyết toán sớm hơn với tổ chức bảo hiểm xã hội. Như vậy, người sử dụng lao động không phải chờ hết quý mới được thanh toán với tổ chức BHXH.

1.2. Về đề nghị thân nhân được hưởng trợ cấp tuất có quyền lựa chọn một trong hai hình thức trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất một lần

Chế độ tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện với 2 hình thức hoặc là trợ cấp tuất hàng tháng hoặc là trợ cấp tuất một lần tương ứng với đối tượng và điều kiện nhất định. Theo quy định của Luật BHXH thì thân nhân của người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì mới giải quyết trợ cấp tuất một lần. Việc quy định trợ cấp tuất hàng tháng nhằm ổn định cuộc sống lâu dài của thân nhân người lao động do mất người nuôi dưỡng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Về khó khăn trong việc giải quyết cho các trường hợp thân nhân ở xa. Theo quy định của Luật BHXH, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhân được hồ sơ hợp lệ, tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ tử tuất. Trong công tác chi trả, hiện nay tổ chức bảo hiểm xã hội đang triển khai mạng lưới chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đến tận xã, phường. Như vậy, về cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân người lao động trong hưởng trợ cấp từ chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Đối với hồ sơ của người lao động trước năm 1995 theo quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung: Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc, cho phép đơn vị làm văn bản xác nhận tại thời điểm đơn vị lập hồ sơ đề nghị cấp sổ, đảm bảo người lao động có tên trong danh sách tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa được hưởng trợ cấp một lần; cho thay thế danh sách người lao động của đơn vị đến thời điểm 31/12/1994 hoặc giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách có mặt tại thời điểm doanh nghiệp sáp nhập, giải thể hoặc các giấy tờ khác của đơn vị sử dụng lao động sau năm 1995 chứng minh được thời gian làm việc của người lao động (Cử tri tỉnh Lạng Sơn – KN số 59):

Về hồ sơ đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp không có Quyết định nghỉ chờ việc hoặc danh sách người lao động của đơn vị đến thời điểm 31/12/1994, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008, theo đó:

- Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc, thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, trong đó đảm bảo người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa hưởng các khoản trợ cấp một lần. Trường hợp đơn vị đã giải thể thì do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.

- Trường hợp không có tên người lao động trong danh sách của đơn vị đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 thì có thể thay thế bằng các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.

3. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH đối với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp được đóng BHXH theo quý, 6 tháng để các cơ quan BHXH ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện (Cử tri tỉnh Lào Cai – KN số 60):

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương, tiền công cho người lao động theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh được lựa chọn phương thức đóng hằng tháng, hằng quý hoặc sáu tháng một lần.

Đề nghị thực hiện quy định trên, Chính phủ đã có hướng dẫn tại khoản 2 Điều 42 và khoản 3 Điều 43 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006, theo đó các doanh nghiệp lựa chọn một trong ba phương thức đóng trên và phải đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội.

Đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn đang theo dõi việc thực hiện của các doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội; chưa nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy định này.

4. Cử tri cho rằng việc ban hành BHXH tự nguyện đã tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên nhiều quy định vẫn còn bất cập, người dân khó có khả năng tiếp cận được với chính sách này như: mức đóng BHXH tự nguyện còn cao, thủ tục rườm rà trong khi đó mức hưởng lại thấp hơn nhiều so với BHXH bắt buộc (chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất) (Cử tri tỉnh Nghệ An – KN số 61):

4.1. Về mức đóng và mức hưởng BHXH tự nguyện

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2008, được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, đảm bảo nguyên tắc “Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”. Để thực hiện theo nguyên tắc trên thì các quy định về mức đóng và mức hưởng đối với hai chế độ hưu trí và tử tuất ở hai loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện phải có sự đồng nhất nhất định.

Mặt khác, thực hiện nguyên tắc “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng” thì việc quy định mức đóng tối thiểu được tính trên mức lương tối thiểu chung là để đảm bảo cho mức trợ cấp không quá thấp khi người lao động thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong thực tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật BHXH cũng đã quy định người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn và thay đổi các mức đóng khác nhau tùy theo khả năng của người lao động.

4.2. Về khả năng tiếp cận loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ngay sau khi Luật BHXH được ban hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội nói chung và trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm từng bước đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến với người lao động và đông đảo nhân dân.

Hồ sơ tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trình tự giải quyết chế độ đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm xã hội. Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động chỉ cần có tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp.

Tuy nhiên, do đây là một chính sách mới, việc triển khai thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế. Với mạng lưới hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội chi đến cấp quận, huyện cũng là một khó khăn cho người dân trong tiếp cận chính sách này. Vấn đề này Bộ sẽ trao đổi với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

5. Hiện nay độ tuổi hưởng chế độ tuất đối với nữ là 55 và đối với nam là 60 tuổi là chưa phù hợp. Đề nghị Nhà nước không quy định độ tuổi hưởng chế độ tuất (Cử tri tỉnh Quảng Bình – KN số 62):

Chế độ tử tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện với 2 hình thức hoặc là trợ cấp tuất hàng tháng hoặc là trợ cấp tuất một lần tương ứng với mỗi đối tượng và điều kiện nhất định.

Trợ cấp tuất hằng tháng chỉ thực hiện cho các đối tượng là thân nhân của người lao động mà khi người lao động còn sống phải trực tiếp nuôi dưỡng. Đó là những người không có thu nhập, hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, không có khả năng lao động (bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam (Đây là độ tuổi mà mọi người lao động bắt đầu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí và thực tế cho thấy quy định độ tuổi như vậy là phù hợp với quy định pháp luật và bảo đảm tương quan với các chính sách chung).

Các trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng vẫn được tổ chức bảo hiểm xã hội giải quyết trợ cấp tuất một lần và không phụ thuộc vào độ tuổi của thân nhân người lao động.

6. Chính phủ xem xét có chính sách đối với các trường hợp tham gia kháng chiến và liên tục công tác nhưng khi nghỉ việc lại không được hưởng chế độ hưu mà chỉ được hưởng chế độ một lần (Cử tri tỉnh Tây Ninh – KN số 63):

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì ngoài điều kiện về tuổi đời, còn có điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (tối thiểu phải đủ 20 năm). Quy định này nhằm đảm bảo khả năng cân đối tài chính bảo hiểm xã hội, người lao động phải tích lũy đủ số năm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng chế độ hưu hàng tháng. Người lao động không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thì giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Để tạo điều kiện cho những người đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định người lao động nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng.

7. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung hướng dẫn về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, vì Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở xã nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn để giải quyết hưởng chế độ BHXH (Cử tri tỉnh Sơn La – KN số 65):

Ngày 22/10/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Triển khai thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP nêu trên, Bộ Nội vụ đã chủ trì cùng Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn đang triển khai thực hiện các quy định nêu trên, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì đề nghị phản ánh về liên Bộ để được hướng dẫn cụ thể.

8. Đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội đối với một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể: sửa đổi, bố sung một số văn bản còn chồng chéo, bất cập như: hướng dẫn về khen thưởng người sử dụng lao động làm tốt công tác bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; cách tính mức tiền lương tiền công bình quân tháng hoặc mức thu nhập bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đó đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; hạch toán quỹ bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu vừa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động, giám định lại, giám định tổng hợp khả năng lao động do vết thương tái phát, bệnh cũ tái phát; chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, …(Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái – KN số 66):

Sau khi Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tính đến nay, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm 12 Nghị định, 6 Quyết định và 21 Thông tư. Trong đó, nội dung hướng dẫn cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được hướng dẫn tại Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; nội dung quy định giám định lại và giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 25/4/2010 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn về phân bổ quỹ bảo hiểm xã hội đối với người vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Riêng nội dung quy định về khen thưởng từ quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do có liên quan đến nhiều lĩnh vực như thi đua khen thưởng, an toàn lao động và bảo hiểm xã hội nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2011.

9. Đề nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn việc cấp sổ BHXH cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01/01/1987 đến 31/12/1994 vì các trường hợp này không đủ điều kiện về thủ tục hồ sơ do đơn vị sử dụng lao động nhiều lần sát nhập, chuyển đổi, chuyển giao qua nhiều cán bộ quản lý không có sự bàn giao quản lý cụ thể nên hồ sơ của người lao động bị thất lạc. Người lao động nghỉ chờ việc không được các doanh nghiệp chốt danh sách tại thời điểm 31/12/1994 (Cử tri tỉnh Thái Nguyên KN số 67):

Nội dung cử tri kiến nghị liên quan đến việc giải quyết chế độ đối với trường hợp hồ sơ gốc bị thất lạc và trường hợp người lao động nghỉ chờ việc không được các doanh nghiệp chốt danh sách tại thời điểm 31/12/1994. Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo như sau:

- Việc giải quyết đối với các trường hợp hồ sơ gốc bị thất lạc đã được quy định tại khoản 9 Mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, trường hợp khi cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc khi giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội mà không còn hồ sơ gốc thì phải có văn bản của cơ quan chủ quản giải trình lý do bị mất, đồng thời xác nhận về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó, kèm theo các giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tính chất công việc, tiền lương, tiền công (nếu có).

- Đối với trường hợp người lao động nghỉ chờ việc không được các doanh nghiệp chốt danh sách tại thời điểm 31/12/1994, Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã quy định cho phép trong trường hợp không có danh sách của đơn vị có tên người lao động đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 thì có thể thay thế bằng các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.

10. Đề nghị xem xét và quy định tuổi nghỉ hưu đối với những người làm việc tại các công ty may thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm để đảm bảo quyền lợi của người lao động: tuổi nghỉ hưu đối với nam là 50 tuổi, nữ 45 tuổi (Cử tri tỉnh Thái Nguyên – KN số 69):

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu phải đủ 20 năm, còn quy định về tuổi đời để hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nhằm đảm bảo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng và đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành, thì điều kiện về tuổi đời được hưởng lương hưu giảm xuống là nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi.

Ngoài ra, đối với người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên.

Việc quy định tuổi đời đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nêu trên đã tính đến tính chất và điều kiện công việc của người lao động nhằm đảm bảo cho những người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được hưởng lương hưu sớm hơn tối đa 5 năm so với những người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

11. Vấn đề bảo hiểm xã hội: bắt đầu từ năm 2010 mức đóng bảo hiểm xã hội tăng từ 20% lên 21,5% nhưng lại không điều chỉnh mức hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội là không hợp lý. Đề nghị nhà nước điều chỉnh tăng mức được hưởng của người tham gia bảo hiểm xã hội khi phải về mất sức, về một lần (Cử tri tỉnh Thái Bình – KN số 70):

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội là mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Thực hiện nguyên tắc này, vừa đáp ứng được sự công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội, vừa đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Để thực hiện nguyên tắc nêu trên, khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội việc tính toán mức hưởng bảo hiểm xã hội đã tính đến yếu tố tăng tỷ lệ mức đóng theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì quỹ hưu trí và tử tuất hiện hành vẫn chưa đảm bảo cân đối trong dài hạn. Cụ thể: số người hưởng lương hưu tăng với tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng của đối tượng tham gia BHXH. Điều này được thể hiện số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, đến năm 2000 chỉ còn 34 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 19 người vào năm 2004 và đến năm 2009 thì chỉ có 11,1 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu. Như vậy, với mức đóng-hưởng hiện hành cùng với tốc độ tăng đối tượng hưởng lương hưu như hiện nay, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng trợ cấp đối với những người được hưởng chế độ mất sức lao động (theo chế độ bảo hiểm xã hội trước đây) hoặc về nghỉ hưởng chế độ một lần cũng phải nghiên cứu, xem xét đặt trong cân đối chung.

12. Cử tri cho rằng nhiều trường hợp cán bộ cấp xã tham gia công tác, đóng bảo hiểm xã hội trên 14 năm nhưng vì điều kiện công tác phải thuyên chuyển hoặc vì lý do sức khỏe … không tiếp tục tham gia đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định nên không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đề nghị Bộ quan tâm xem xét, trình Chính phủ có hướng giải quyết thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trên (Cử tri tỉnh Bình Định – KN số 71):

Theo quy định tại Điều 50, 51 Luật Bảo hiểm xã hội thì điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Việc quy định về tuổi đời và thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng của BHXH và đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người lao động đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu, khoản 2 điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện quy định người lao động khi đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với quy định mà chưa nhận BHXH 1 lần, có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng.

Riêng đối với những người chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc không có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

13. Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác chỉ đạo hoạt động thu bảo hiểm xã hội trên cơ sở thực hiện một cách có hiệu quả sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương (Kế hoạch Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống kê, Liên đoàn Lao động, các tổ chức chính trị xã hội …) để nắm đầy đủ số lượng đơn vị và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm mở rộng đối tượng hơn nữa đối tượng tham gia, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh (Cử tri tỉnh Đăk Nông – KN số 72):

Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội, trách nhiệm thu bảo hiểm xã hội là của tổ chức bảo hiểm xã hội. Một trong các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác thu bảo hiểm xã hội là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành ở địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Bảo hiểm xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đôn đốc thu nộp bảo hiểm xã hội và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Để thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, ngày 23/12/2009 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản số 4869/LĐTBXH-BHXH đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đồng thời, ngày 11 tháng 6 năm 2010 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký chương trình phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong đó, quy định các nội dung cơ bản, chương trình phối hợp giữa cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội ở các địa phương.

14. Đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc từ chối thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp đơn vị nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội; quy định việc giải quyết quyền lợi cho người lao động bị từ chối thanh toán bảo hiểm xã hội (Cử tri tỉnh Yên Bái – KN số 73):

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội khi người sử dụng lao động đã thực hiện nghĩa vụ đóng và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp đối với từng lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người sử dụng lao động chưa đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thì tổ chức bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ để ghi nhận thời gian và mức đóng trên sổ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nợ đóng bảo hiểm xã hội cần phải có sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đặc biệt là vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc đề nghị, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm pháp luật về bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

15. Đề nghị hướng dẫn cụ thể về chi trả trợ cấp khu vực cho đối tượng nghỉ chế độ một lần do điều chỉnh lại hệ số phụ cấp khu vực như khi đóng phụ cấp khu vực theo các quy định trước đây thì địa bàn có phụ cấp khu vực cao nay điều chỉnh phụ cấp khu vực theo Thông tư 11 ngày 05/01/2005 và Công văn 798 ngày 30/3/2009 của BHXH Việt Nam có phụ cấp khu vực thấp gây thiệt thòi cho đối tượng thụ hưởng (Cử tri tỉnh Đăk Nông – KN số 75):

Trước ngày 01/01/2007, theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ thì người lao động có hưởng phụ cấp khu vực thì trong tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bao gồm cả phụ cấp khu vực. Chế độ phụ cấp khu vực đối với người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban Dân tộc. Theo đó, những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực và không kèm theo điều kiện trước đó đóng bảo hiểm xã hội có phụ cấp khu vực hay không có phụ cấp khu vực. Phụ cấp khu vực chi trả đối với người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT căn cứ vào nơi người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, không phụ thuộc vào mức phụ cấp khu vực mà người lao động hưởng khi còn đang làm việc.

Từ ngày 01/01/2007 trở đi, theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, quy định tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của người lao động tham gia BHXH bắt buộc không bao gồm phụ cấp khu vực; tại Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội về sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc không có quy định nội dung chi trả phụ cấp khu vực và tại khoản 2 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội về quy định chuyển tiếp quy định người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hàng tháng trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây. Do đó, căn cứ các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007 vẫn thực hiện chi trả chế độ phụ cấp khu vực theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT và tạm thời dừng thực hiện chi trả chế độ phụ cấp khu vực đối với người nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/01/2007. Như vậy, có một bộ phận người lao động đã đóng BHXH bao gồm cả phụ cấp khu vực, từ ngày 01/01/2007 nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực chưa được hưởng chế độ phụ cấp khu vực.

Nhằm giải quyết vướng mắc nêu trên, ngày 04/12/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2008/NĐ-CP về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Triển khai thực hiện Nghị định này, ngày 22/01/2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ.

Theo nội dung các văn bản nêu trên, mức trợ cấp một lần được tính tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Việc xác định hệ số phụ cấp khu vực theo các mức quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT nhằm đảm bảo tương quan và thống nhất với việc chi trả phụ cấp khu vực đối với những người đã nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2007.

16. Chính phủ xem xét việc tăng lương cho cán bộ hưu trí, vì hiện nay việc tăng lương còn nhiều bất cập. Cụ thể: cùng là cán bộ hưu trí, đồng chí A có mức lương hưu khi nghỉ hưu là 5.000.000 đồng; đồng chí B có mức lương hưu khi nghỉ hưu là 2.000.000 đồng; khi mức tăng 10% thì đồng chí A sẽ được hưởng thêm 500.000 đồng, đồng chí B được hưởng 200.000 đồng, trong khi đó 2 người cùng là cán bộ hưu trí. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm có cơ chế chính sách khi tăng lương đảm bảo sự công bằng cho cán bộ hưu trí, tránh sự chênh lệch quá lớn về mức hưởng lương giữa hai đối tượng nghỉ hưu là công nhân lao động và nghỉ hưu là công chức nhà nước (Cử tri tỉnh Thái Nguyên – KN số 99);

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì lương hưu được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Như vậy, đối với những người có cùng thời gian công tác như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao hay thấp.

Việc điều chỉnh lương hưu phụ thuộc vào mức lương hưu hiện hưởng và trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2007 đến nay Chính phủ đã thực hiện 4 lần điều chỉnh lương hưu, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm 62,7% trên mức lương hưu hiện hưởng năm 2007. Như vậy, với việc điều chỉnh lương hưu trong thời gian qua đã đảm bảo được nguyên tắc điều chỉnh, từng bước phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và mặt bằng chính sách xã hội chung.

III. VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng phối hợp với các cơ quan tư pháp sớm có những quy định chặt chẽ, hợp lý để có chế tài nghiêm khắc; có biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm bảo hiểm xã hội (BHXH) thật triệt để. Mức phạt phải tương ứng với tỷ lệ số nợ BHXH mới đảm bảo đủ sức răn đe, nên tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật Luật BHXH, với mức phạt ương ứng 20% số tiền nợ BHXH, cao nhất là 500 triệu đồng (Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và Yên Bái – KN số 64):

Để đảm bảo thực hiện nghiêm pháp luật về bảo hiểm xã hội và đáp ứng yêu cầu của đông đảo cử tri cả nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội thay thế Nghị định số 135 theo hướng tăng mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội từ 20.000.000 đồng lên 30.000.000 đồng bằng mức quy định tối đa cho phép trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/4/2008. Nghị định số 86/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/10/2010. Vì vậy, trước mắt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị định này.

2. Để đảm bảo cho người lao động được hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT các ngành chức năng nên có những chế tài xử phạt mạnh hơn đối với các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về đảm bảo quyền lợi cho người lao động (Cử tri tỉnh Quảng Ngãi – KN số 76):

Liên quan đến những nội dung về bảo hiểm y tế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế.

Liên quan đến những nội dung về bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội thay thế Nghị định số 135 theo hướng tăng mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, trong đó đã quy định các chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp tương ứng với các hành vi không chấp hành các quy định về đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ví dụ như: không đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động, không trả khoản tiền BHXH vào lương cho người lao động theo quy định, đóng không đúng mức quy định, lập danh sách người lao động không đúng thực tế để nhận bảo hiểm xã hội, không lập hồ sơ hoặc làm thủ tục giải quyết để người lao động hưởng chế độ BHXH, không trả các chế độ BHXH bắt buộc cho người lao động, trì hoãn trả tiền cho người hưởng chế độ BHXH, … Ngoài các hình thức xử phạt chính còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các Chương II của Nghị định này.

Như vậy, những chế tài xử phạt đã tương ứng với các hành vi, phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm của người sử dụng lao động ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban CVĐXH Quốc hội;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc hội;
- Chủ nhiệm VPQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Trưởng đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố;
- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Vụ BHXH, Vụ LĐTL và Vụ PC;
- Lưu VP, TKTH (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Minh Huân

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 3265/LĐTBXH-VP

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu3265/LĐTBXH-VP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành21/09/2010
Ngày hiệu lực21/09/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương, Bảo hiểm
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu3265/LĐTBXH-VP
                Cơ quan ban hànhBộ Lao động – Thương binh và Xã hội
                Người kýPhạm Minh Huân
                Ngày ban hành21/09/2010
                Ngày hiệu lực21/09/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương, Bảo hiểm
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7

                          Lịch sử hiệu lực Công văn 3265/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 7

                          • 21/09/2010

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 21/09/2010

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực