Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND

Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Nội dung toàn văn Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND chức danh phụ cấp chính sách người hoạt động không chuyên trách Quảng Ngãi


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2014/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 4 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG, CHỨC DANH, MỨC PHỤ CẤP, MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở CẤP XÃ VÀ Ở THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI – KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện;

Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc đề nghị thông qua Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:

1. Số lượng, chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

a) Số lượng, chức danh:

- Xã loại 1: Bố trí tối đa không quá 22 người, gồm các chức danh sau:

+ Trưởng Ban Tổ chức;

+ Trưởng Ban Tuyên giáo;

+ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra;

+ Trưởng Ban Thanh tra nhân dân;

+ Phó Trưởng Công an xã được bố trí không quá 02 người;

+ Phó Chỉ huy Trưởng quân sự;

+ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam;

+ Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

+ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

+ Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;

+ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

+ Công an viên thường trực ở xã;

+ Dân vận;

+ Văn phòng Đảng ủy;

+ Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi hoặc Quản lý đô thị;

+ Công nghiệp - Thương mại và Dịch vụ;

+ Khuyến nông - Thú y cơ sở;

+ Lao động - Thương binh và Xã hội - Dân Số - Gia đình và Trẻ em;

+ Đài truyền thanh - Quản lý nhà Văn hóa - Tôn giáo và Dân tộc;

+ Nội vụ - Thi đua - Công đoàn;

+ Thủ quỹ - Văn thư lưu trữ.

Các chức danh Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nếu Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm thì được bổ sung chức danh Phó Trưởng Ban, Phó Chủ nhiệm hoặc người phụ trách nhưng bảo đảm không vượt quá số lượng theo quy định.

- Xã loại 2: Bố trí tối đa không quá 20 người. Các chức danh bố trí tương tự như xã loại 1 ở trên. Riêng chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo bố trí kiêm nhiệm công tác Dân vận; Trưởng Ban Tổ chức bố trí kiêm nhiệm công tác Văn phòng Đảng ủy.

- Xã loại 3: Bố trí tối đa không quá 19 người. Các chức danh bố trí tương tự như xã loại 2 ở trên. Riêng chức danh Nội vụ - Thi đua - Công đoàn bố trí kiêm nhiệm vụ Thủ quỹ - Văn thư lưu trữ.

+ Xã loại 3 là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự bố trí không quá 02 Phó trưởng Công an xã.

+ Xã loại 3 không phải là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự bố trí 01 Phó trưởng Công an xã.

b) Mức phụ cấp hằng tháng:

- Mức phụ cấp hằng tháng bằng hệ số 1,3 theo mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp (bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế) đối với các chức danh: Trưởng Ban Tổ chức (hoặc Phó Trưởng Ban Tổ chức), Trưởng Ban Tuyên giáo (hoặc Phó Trưởng Ban Tuyên giáo), Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra), Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Phó Trưởng Công an xã, Phó Chỉ huy Trưởng quân sự, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Dân vận, Văn phòng Đảng ủy.

- Mức phụ cấp hằng tháng bằng hệ số 1,25 theo mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp (bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế) đối với các chức danh: Công an viên thường trực ở xã, Kế hoạch - Giao thông - Thuỷ lợi hoặc Quản lý đô thị, Công nghiệp - Thương mại và Dịch vụ, Khuyến nông - Thú y cơ sở, Lao động - Thương binh và Xã hội - Dân số - Gia đình và Trẻ em, Đài truyền thanh - Quản lý nhà Văn hóa - Tôn giáo và Dân tộc, Nội vụ - Thi đua - Công đoàn, Thủ quỹ - Văn thư lưu trữ.

2. Số lượng, chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và Công an viên ở thôn:

a) Số lượng, chức danh:

- Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được bố trí tối đa không quá 3 người, gồm các chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố;

- Công an viên ở thôn bố trí 01 người.

b) Mức phụ cấp hằng tháng: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; Công an viên ở thôn được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng hệ số 1,25 theo mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp (bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế).

3. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh:

a) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh trên mà giảm được 01 định xuất thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% của mức phụ cấp chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%;

b) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hằng tháng được hưởng 90% mức phụ cấp của chức danh hiện đảm nhiệm.

4. Các quy định khác:

a) Hỗ trợ phụ cấp hằng tháng:

- Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ: Có trình độ trung cấp được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng bằng 10%; có trình độ cao đẳng, đại học được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng bằng 20% so với mức phụ cấp hằng tháng theo chức danh nêu trên;

- Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; Công an viên ở thôn đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ: Có trình độ trung cấp được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng bằng 10%; có trình độ cao đẳng, đại học được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng bằng 20% so với mức phụ cấp hằng tháng quy định;

- Bí thư Chi đoàn, Chi hội Trưởng chi hội Phụ nữ, Chi hội Trưởng chi hội Nông dân, Chi hội Trưởng chi hội Cựu chiến binh ở thôn, tổ dân phố được hỗ trợ phụ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp.

b) Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

- Đối tượng: Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (trường hợp người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì không hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện).

- Mức hỗ trợ: Ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 17% so với mức lương cơ sở, phần còn lại cá nhân tự đóng theo mức tự nguyện trong khung quy định.

c) Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế: Mức phụ cấp hằng tháng của các chức danh quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã bao gồm hỗ trợ 3% bảo hiểm y tế, phần còn lại cá nhân tự đóng theo mức quy định. Những người đang hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật thì không hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

d) Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở, thì mức phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách cũng được điều chỉnh theo hệ số tương ứng nói trên của mỗi chức danh, nhân với mức lương cơ sở mới điều chỉnh.

5. Phương thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ, mức khoán quỹ phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động thường xuyên đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

a) Phương thức xác định kinh phí quản lý hành chính giao để thực hiện chế độ tự chủ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được xác định và giao hằng năm bao gồm:

- Khoán quỹ phụ cấp theo số lượng, chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và được quy ra tháng lương cơ sở theo quy định;

- Khoán chi hoạt động thường xuyên (kể cả chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên) theo số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ được xác định từ mức khoán quỹ phụ cấp theo tháng lương cơ sở và mức chi hoạt động thường xuyên theo quy định.

b) Mức khoán quỹ phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động thường xuyên đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

- Mức khoán quỹ phụ cấp theo số lượng, chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: đối với xã loại 1 là 28,2 tháng lương cơ sở; đối với xã loại 2 là 25,6 tháng lương cơ sở; đối với xã loại 3 là 24,3 tháng lương cơ sở;

- Khoán kinh phí hoạt động thường xuyên (kể cả chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên) theo số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: mức 4 triệu đồng/người/năm.

6. Khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố:

a) Tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố được khoán kinh phí hoạt động:

- Các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã:

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

+ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ;

+ Hội Nông dân;

+ Hội Cựu chiến binh.

- Các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố:

+ Ban công tác Mặt trận;

+ Chi Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

+ Chi hội Phụ nữ;

+ Chi hội Nông dân;

+ Chi hội Cựu chiến binh.

b) Mức khoán kinh phí hoạt động:

- Mức khoán kinh phí hoạt động đối với mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã: đối với xã loại 1 là 7 triệu đồng/năm; đối với xã loại 2 là 6,5 triệu đồng/năm; đối với xã loại 3 là 6 triệu đồng/năm.

- Mức khoán kinh phí hoạt động đối với mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố: đối với thôn, tổ dân phố thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 2 triệu đồng/năm; đối với thôn, tổ dân phố thuộc các xã còn lại là 1,8 triệu đồng/năm.

- Ngoài mức khoán kinh phí hoạt động nêu trên, tùy theo điều kiện khả năng cân đối ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ thực tế.

7. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá và có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua và thay thế Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XI thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2014, tại kỳ họp thứ 11./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thị Xuân Hồng

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 06/2014/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu06/2014/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/04/2014
Ngày hiệu lực05/05/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 06/2014/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND chức danh phụ cấp chính sách người hoạt động không chuyên trách Quảng Ngãi


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản hiện thời

              Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND chức danh phụ cấp chính sách người hoạt động không chuyên trách Quảng Ngãi
              Loại văn bảnNghị quyết
              Số hiệu06/2014/NQ-HĐND
              Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Ngãi
              Người kýTrương Thị Xuân Hồng
              Ngày ban hành29/04/2014
              Ngày hiệu lực05/05/2014
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
              Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
              Cập nhật10 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND chức danh phụ cấp chính sách người hoạt động không chuyên trách Quảng Ngãi

                      Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND chức danh phụ cấp chính sách người hoạt động không chuyên trách Quảng Ngãi

                      • 29/04/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 05/05/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực