Quyết định 338/QĐ-UBND

Quyết định 338/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 338/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 338/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 31/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 về Chương trình xây dựng Luật Pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII ( 2007-2011);
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tại Tờ trình số 4107/TTr-STP-TT ngày 31 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố: các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Điều 3. Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thành phố, Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn kết vào việc tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án của Trung ương, địa phương và các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Ủy ban nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được triển khai rộng khắp đến các cơ quan, tổ chức, đến mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng nhân dân khác trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần đưa các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước đến các đối tượng, nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các đối tượng.

3. Hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phải không ngừng đổi mới; nội dung tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng đối tượng. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia công tác này.

II. NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Các văn bản pháp luật cần được tập trung phổ biến trong năm 2010:

a) Cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản, chủ yếu của các văn bản Luật đã được Quốc hội khóa XII thông qua trong kỳ họp thứ 5, thứ 6 vừa qua gồm: Luật bảo hiểm xã hội; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật giao thông đường bộ; Luật cán bộ, công chức; Luật bảo hiểm y tế; Luật thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật lý lịch tư pháp; Luật quản lý công nợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật sở hữu trí tuệ; Luật quốc tịch; Luật dân quân tự vệ; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật khám bệnh, chữa bệnh, .v.v…

b) Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2010, ngoài những văn bản pháp luật mới được ban hành, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các sở, ngành; quận, huyện cần tiếp tục phổ biến rộng rãi đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hoặc các văn bản pháp luật quan trọng, thiết yếu cho đời sống xã hội như: Bộ luật dân sự; Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật đất đai; Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và một số Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực.

c) Ngoài việc tập trung phổ biến các văn bản pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành, trong năm 2010 các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương cần tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền văn bản pháp luật với các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của thành phố như: trật tự văn minh đô thị; cải cách hành chính; phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an ninh cơ sở và đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.

2. Tổ chức thực hiện các Đề án, Chương trình của Trung ương và địa phương:

Trong năm 2010, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần được lồng ghép với việc thực hiện các Đề án, Chương trình của Trung ương và địa phương, cụ thể:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển, đảo theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

- Tổ chức thực hiện và tổng kết thực hiện các Đề án theo Quyết định số 212/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ:

+ Đề án 1: Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hóa thông tin ở xã, phường, thị trấn.

+ Đề án 2: Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.

+ Đề án 3: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.

+ Đề án 4: Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức thực hiện các Đề án theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012:

+ Đề án thứ nhất: “Tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”;

+ Đề án thứ hai: “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước”;

+ Đề án thứ ba: “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”;

+ Đề án thứ tư: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”.

- Tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” theo Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm;

- Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng;

- Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

III. TẬP TRUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG CỤ THỂ

1. Đối tượng cán bộ, công chức của các sở, ngành; quận, huyện:

- Chú trọng việc phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan đến các hoạt động của cán bộ, công chức như: Luật cán bộ, công chức; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật giao thông đường bộ; Luật bảo hiểm y tế; Luật bảo hiểm xã hội; Luật quản lý nợ công .v.v.

- Tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khiếu nại, tố cáo; các văn bản về xử lý vi phạm hành chính; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; nếp sống văn minh đô thị và các văn bản pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực công tác.

2. Tiếp tục việc tuyên truyền pháp luật cho người nước ngoài nhập cảnh vào thành phố và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung phổ biến: Luật Cư trú; Luật Đầu tư nước ngoài; Luật Du lịch; Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành; Pháp luật về lao động cho tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Pháp luật về lao động; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục thành phố.

Tập trung phổ biến các nội dung như: Luật giáo dục; Luật bình đẳng giới; Luật giao thông đường bộ; Luật hôn nhân và gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra còn phổ biến các nội dung khác có liên quan như quy chế thi cử; nếp sống văn minh đô thị; quy chế dân chủ trong nhà trường.

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

Nội dung tuyên truyền cho đối tượng này gồm: Luật thanh niên; Luật phòng, chống ma túy; Luật giao thông đường bộ; Luật giáo dục; Luật Quốc phòng; Luật biên giới quốc gia, Luật nghĩa vụ quân sự; Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân; Luật dân quân tự vệ; Pháp lệnh dự bị động viên và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến học tập và sinh hoạt của học sinh, sinh viên.

5. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp:

- Tiếp tục phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau về các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố có liên quan đến doanh nghiệp về vệ sinh môi trường, về đất đai, xây dựng, về phí và lệ phí, về giao thông;

- Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về lao động; phòng cháy, chữa cháy; các quy định về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động và lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;

- Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động bằng các chuyên đề như Luật lao động, Luật bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội, Luật công đoàn, xử lý vi phạm hành chính.

6. Phổ biến pháp luật cho đối tượng hòa giải viên cơ sở, thanh tra nhân dân, ban điều hành khu phố, ban nhân dân ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.

Tiếp tục phổ biến một số quy định của pháp luật có liên quan đến các hoạt động hòa giải ở cơ sở như: các quy định về thừa kế trong Bộ luật dân sự; các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; bồi thường đất đai, chế độ tài chính về đất đai; Luật xây dựng; Luật hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo và các quy định về xử lý vi phạm hành chính… Ngoài các văn bản luật nêu trên, để giúp các hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải, cần phải bồi dưỡng các kỹ năng như: kỹ năng hòa giải, kỹ năng ghi chép biên bản, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng giáo dục, thuyết phục…

7. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại các địa bàn dân cư các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: Luật dân sự; Luật đất đai; Luật phòng, chống ma túy; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật giao thông đường bộ; Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính; về nếp sống văn minh đô thị.

IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh “về tăng cường lãnh đạo phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

- Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” (Ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở này, đánh giá lại năng lực tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của từng cấp, của từng thành viên và đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Qua đó, có những giải pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tổ chức xây dựng quy chế quản lý báo cáo viên pháp luật trên địa bàn thành phố cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ quan truyền thông đại chúng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các nội dung của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2009 đến năm 2012 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).

- Thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố; đồng thời khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Tổ chức thực hiện:

- Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiến nghị với Trung ương cho thành phố thực hiện cơ chế mới về chế độ tài chính đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên bằng việc huy động các nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách. Thực hiện việc rà soát lại đội ngũ báo cáo viên, bổ sung vào đội ngũ này những người có năng lực, trình độ, sở trường, năng khiếu, nhiệt tình, yêu nghề để không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.

- Tiếp tục thực hiện tập trung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, bảo đảm tính hiệu quả, sát với thực tiễn nhu cầu từng địa bàn, từng đối tượng.

- Đẩy mạnh việc đổi mới và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổ chức hội thảo chuyên đề, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho báo cáo viên pháp luật; tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng - an ninh cho đối tượng là phóng viên, biên tập viên các báo, đài trên địa bàn thành phố; đa dạng các loại đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp pháp luật, sách cẩm nang pháp luật, đĩa hình các tiểu phẩm sân khấu, tờ gấp tuyên truyền pháp luật; tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật cho đối tượng cán bộ, công chức; công an viên; hòa giải viên cơ sở; đổi mới hình thức tuyên truyền miệng bằng các hình thức kết hợp nghe - nhìn, minh họa bằng hình ảnh trực quan sinh động các tình huống pháp luật; thông báo giới thiệu, luân chuyển các đầu sách trong tủ sách pháp luật, tăng cường xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị trường học và doanh nghiệp.

- Các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố như: Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Báo Pháp luật thành phố, Báo Tuổi trẻ, .v.v… cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các đối tượng người dân.

- Tổ chức nhiều hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng như: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa… qua đó giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật cho các đối tượng này.

- Chú trọng xây dựng và củng cố đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đề xuất các mô hình tổ hòa giải phù hợp với từng địa bàn khu dân cư. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng về nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật cần thiết cho các hòa giải viên, thực hiện chế độ bồi dưỡng cho các hòa giải viên theo quy định.

3. Phân công thực hiện:

a) Trên cơ sở Kế hoạch này, các sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình.

b) Giao Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn xây dựng các chương trình, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú và hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành thành phố và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

c) Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố triển khai, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Định kỳ hàng quý tổ chức đánh giá, nêu rõ những mặt làm được, chưa làm được và những nguyên nhân cụ thể để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

d) Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên, hòa giải viên, tổ chức các hình thức tập huấn các văn bản pháp luật, các kỹ năng tuyên truyền theo Kế hoạch này.

đ) Giao Sở Tài chính trên cơ sở các quy định của pháp luật về công tác tài chính thực hiện việc cấp kinh phí cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, các Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ngành, quận, huyện để tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

e) Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án do cơ quan, đơn vị chủ trì về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo yêu cầu. Định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 338/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 338/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 21/01/2010
Ngày hiệu lực 21/01/2010
Ngày công báo 15/02/2010
Số công báo Số 14
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 338/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 338/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 338/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 338/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Ngày ban hành 21/01/2010
Ngày hiệu lực 21/01/2010
Ngày công báo 15/02/2010
Số công báo Số 14
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 14 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 338/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010

Lịch sử hiệu lực Quyết định 338/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010

  • 21/01/2010

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 15/02/2010

    Văn bản được đăng công báo

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 21/01/2010

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực