Quyết định 81/QĐ-UBND

Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015

Nội dung toàn văn Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 81/QD-UBND

Bắc Giang, ngày 03 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 40/TTr-SNV ngày 14/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố căn cứ vào Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 3. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

MỤC TIÊU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Mục tiêu chung

Mục tiêu trọng tâm của cải cách hành chính trong giai đoạn 5 năm (2011- 2015) là xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo bước chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cần xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính theo quy định của Chính phủ. Các cơ quan hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; tiếp tục xây dựng và thực hiện các quy định mới về phân cấp, uỷ quyền giữa UBND tỉnh với các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp huyện, cấp xã trên một số lĩnh vực quan trọng;

b) Thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; phấn đấu mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan hành chính nhà nước. Phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước được tiếp tục đổi mới, phấn đấu đến năm 2015 giảm được 1/3 thời gian giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức tại cơ quan hành chính nhà nước;

c) Cơ chế một cửa liên thông hiện đại triển khai thực hiện trên 80% đơn vị cấp huyện vào năm 2015. Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ do cơ quan hành chính thực hiện đạt mức trên 80% (tỷ lệ cá nhân, tổ chức đến giao dịch);

d) Các loại dịch vụ công được xã hội hoá phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 60% vào năm 2015;

đ) Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, phấn đấu 60% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 30% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo sau đại học; 100% cán bộ trưởng phó phòng, chuyên viên chính và tương đương có trình độ cao cấp lý luận; 70-80% cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên,100% cán bộ, công chức có trình độ A về tin học, ngoại ngữ trở lên, biết khai thác, sử dụng hiệu quả các loại máy tính văn phòng; 30% viên chức lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo sau đại học và 100% có trình độ trung cấp lý luận trở lên, 100% viên chức có trình độ A về tin học, ngoại ngữ trở lên;

e) Hiện đại hoá nền hành chính, phấn đấu 80% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính các cấp được thực hiện trên mạng điện tử; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên có Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; cung cấp một số dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp.

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. NHIỆM VỤ

1. Cải cách thể chế

a) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương ở tất cả các lĩnh vực, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật;

b) Thực hiện các cơ chế, chính sách về công chức, công vụ, về tổ chức và hoạt động đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Chính phủ;

c) Các cấp, các ngành thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật mới ban hành;

2. Cải cách thủ tục hành chính

a) Tổ chức rà soát, sửa đổi đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã, tăng cường kiểm tra, thẩm định sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý các thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định hành chính của tỉnh theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính, thủ tục hành chính để hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả và tăng cường cơ chế giám sát việc thực hiện các quy định hành chính, thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính.

b) Tập trung cao cho công tác cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung là: tài nguyên-môi trường; quản lý đất đai; xây dựng; xây dựng nông thôn mới; văn hoá; y tế; giáo dục; lao động việc làm; khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo yêu cầu cải cách trong từng năm;

c) Duy trì, nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông giữa các cơ quan hành chính cùng cấp và các cơ quan hành chính thuộc Trung ương đóng tại địa phương; xây dựng phần mềm dùng chung, chương trình quản lý, xử lý và khai thác thông tin về hồ sơ một cửa và hướng dẫn về thủ tục, theo dõi các tiến trình thực hiện xử lý các hồ sơ hành chính, công việc của các quy trình đã được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ISO tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhằm giải quyết tốt công việc cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và phù hợp;

d) Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ công do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cung cấp.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

a) Tiếp tục rà soát, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan hành chính ở từng cấp, loại bỏ nhiệm vụ chồng chéo, trùng lặp, bổ sung những nhiệm vụ mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực;

b) Sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định mới của Chính phủ. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp, bảo đảm phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp;

c) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa UBND tỉnh với các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc và giữa UBND huyện, thành phố với UBND xã, phường, thị trấn;

4. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

a) Xác định vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ và ngạch công chức để làm cơ sở xác định biên chế, tuyển dụng và quy hoạch đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Xây dựng và thực hiện các chính sách về việc thu hút, tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đủ số lượng, chất lượng được nâng cao;

b) Thực hiện tốt công tác tuyển dụng công chức, viên chức; thực hiện thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thực hiện thi cạnh tranh để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp;

Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng cấp. Thực hiện tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, kỹ năng tin học, ngoại ngữ... của đội ngũ cán bộ, công chức;

c) Đổi mới phân cấp quản lý công tác cán bộ, công chức, đảm bảo đồng bộ với phân cấp nhiệm vụ và kinh phí;

d) Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, yêu cầu về đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Đổi mới công tác đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo trung thực, khách quan, đúng với thành tích, kết quả thực thi công vụ;

đ) Tạo bước chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân;

e) Mở rộng việc ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức đến viên chức sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.

5. Cải cách tài chính công

a) Thực hiện có hiệu quả cơ chế khoán biên chế và kinh phí tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động có thu, tự chủ và thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp sang hình thức cổ phần hoá theo Luật Doanh nghiệp đối với các sở: Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Phát triển các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học và công nghệ;

b) Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình, thể dục - thể thao, văn hoá, văn nghệ;

c) Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công cho phù hợp; chú trọng đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch và phù hợp. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo, khám, chữa bệnh theo quy định của nhà nước.

6. Hiện đại hoá nền hành chính

a) Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan nhà nước. Ứng dụng nhanh và đồng bộ công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước. Phấn đấu đến năm 2015, 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong giao ban trực tuyến, điều hành, xử lý, giải quyết văn bản và các công việc chuyên môn trên môi trường mạng; 100% các văn bản, hồ sơ, dữ liệu, số liệu tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện trở lên được số hoá và quản lý trên mạng máy tính;

b) Duy trì, mở rộng và cải tiến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên được cấp chứng nhận ISO;

c) Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các cơ quan hành chính, nhất là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, đảm bảo có đủ diện tích làm việc, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cần thiết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và phục vụ tốt nhân dân, doanh nghiệp.

II. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Ban hành và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố. Triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá về công tác cải cách hành chính (PAR INDEX) theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ để đánh giá công tác cải cách hành chính và hoạt động của Bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

2. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch cải cách hành chính hàng năm nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ cải cách hành chính của mỗi cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra, xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành, địa phương để tạo đột phá và tạo sự đổi mới, hiệu quả.

3. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức các nội dung về cải cách hành chính. Kịp thời phát hiện, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt; phê phán, chỉ rõ những nơi có tiêu cực, thái độ, tác phong làm việc quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đúng về cải cách hành chính và thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

4. Thực hiện hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp. Đưa kết quả thực hiện cải cách hành chính thành một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

5. Thực hiện chế độ báo cáo quý, 6 tháng và năm về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi , tổng hợp và báo cáo theo quy định.

6. UBND cấp huyện, cấp xã bố trí đủ nguồn lực cho công tác cải cách hành chính, chọn lọc đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí thực hiện công tác cải cách hành chính của cấp mình từ dự toán chi ngân sách hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của nhà nước. Các cơ quan, đơn vị chủ động lập dự toán chi đảm bảo thực hiện tốt nhất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị mình.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ (cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh về cải cách hành chính):

a) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cụ thể hóa thành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp và chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan giúp Chủ tịch UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, báo cáo và đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính ở các ngành, các cấp;

d) Giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá về công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ;

đ) Chủ trì biên tập, xuất bản và chịu trách nhiệm nội dung đối với Bản tin Cải cách hành chính tỉnh Bắc Giang; phối hợp với Sở Tài chính thẩm định chi phí xây dựng Bản tin Cải cách hành chính trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định (dự kiến xuất bản 01 số/quý);

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo đánh giá 5 năm việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

g) Tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức tổng kết; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.

2. Văn phòng UBND tỉnh

a) Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính hằng năm;

b) Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương;

c) Tổ chức việc tiếp nhận, chuyển và đôn đốc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ và Quyết định số 278/2011/QĐ-UBND ngày 02/8/2011 của UBND tỉnh;

d) Định kỳ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về cải cách thể chế. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; báo cáo công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định (tháng 12 hàng năm và theo yêu cầu của UBND tỉnh).

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, cân đối, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; đồng thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ về cải cách tài chính công của tỉnh. Báo cáo thực hiện cải cách tài chính công (tháng 12 hàng năm và theo yêu cầu của UBND tỉnh).

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư trụ sở cấp xã, phường bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; báo cáo 5 năm thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí... nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính. Báo cáo, đánh giá việc áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp (tháng 12 hàng năm và theo yêu cầu của UBND tỉnh).

7. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Tham mưu, giúp UBND tỉnh, đẩy mạnh việc xã hội hoá về khoa học công nghệ. Chủ trì, tổng hợp báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh đẩy mạnh việc xã hội hoá về văn hoá - thể thao.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh đẩy mạnh việc xã hội hoá về giáo dục. Nghiên cứu, khảo sát và áp dụng thực hiện phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

10. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh đẩy mạnh việc xã hội hoá về y tế. Nghiên cứu, khảo sát và áp dụng thực hiện phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

11. UBND cấp huyện, cấp xã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.

12. Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh có trách nhiệm phối hợp đưa tin, bài, chuyên đề về công tác cải cách hành chính của tỉnh, thực hiện các kế hoạch tuyên truyền sâu rộng các nội dung về cải cách hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN, CHUYÊN ĐỀ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang)

STT

Thời gian hoàn thành

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

1

Quý IV/2012

Triển khai Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC (PAR INDEX) theo Dự án của Bộ Nội vụ.

Sở Nội vụ

Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã.

2

Đánh giá 5 năm việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg.

Sở Nội vụ

Các cơ quan liên quan

3

Quy định Tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố

Sở Nội vụ

 

4

Năm 2013

Bản tin Cải cách hành chính

Sở Nội vụ

Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Giang; các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã.

5

Báo cáo 3 năm thực hiện Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.

Văn phòng UBND tỉnh

Các cơ quan liên quan

6

Quý I/2013

Báo cáo thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-TTg về đầu tư trụ sở cấp xã, phường bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Chia làm 2 giai đoạn:

Báo cáo giai đoạn 1 (2009-2012): Vốn đầu tư hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương trong cân đối ngân sách hàng năm để đầu tư xây dựng xã chưa có trụ sở, trụ sở xã không đảm bảo tiêu chuẩn tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan liên quan

 

Quý IV/2015

Báo cáo giai đoạn 2 (2012-2015): Đầu tư xây dựng trụ sở các xã còn lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc nguồn vốn đầu tư hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương.

 

 

7

Tháng 12 hàng năm

Báo cáo thực hiện cải cách tài chính công theo Nghị định 130 và 43 của Chính phủ.

Sở Tài chính

Các cơ quan liên quan

8

Quý IV/2014

Báo cáo 5 năm thực hiện áp dụng HTQLCL ISO theo Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg.

Sở Khoa học - Công nghệ

Các cơ quan liên quan

9

Tháng 9/2015

Khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

Sở Y tế

Các cơ quan liên quan

10

Tháng 9/2015

Khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Sở Giáo dục - Đào tạo

Các cơ quan liên quan

11

Tháng 10/2015

Khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đối với dịch vụ công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan

12

Tháng 11/2015

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hịên công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.

Sở Nội vụ, VP UBND tỉnh

Các cơ quan liên quan

13

Từ 2012-2015

Tăng cường chất lượng, hiệu quả và tác động của CCHC ở tỉnh Bắc Giang , trong đó bao gồm:

Sở Nội vụ

Các cơ quan liên quan, tổ chức UNDP

Đề án xây dựng phần mềm dùng chung hỗ trợ hoạt động của Bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở cấp huyện.

Đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở Bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp

Đề án xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của địa phương

Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 81/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu81/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/04/2012
Ngày hiệu lực03/04/2012
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật12 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 81/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu81/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bắc Giang
                Người kýBùi Văn Hải
                Ngày ban hành03/04/2012
                Ngày hiệu lực03/04/2012
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật12 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2012 Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước

                  • 03/04/2012

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 03/04/2012

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực