Văn bản khác 141/TA-KH

Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát kèm theo Nghị quyết 821/NQ-UBTVQH13 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nội dung toàn văn Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát theo 821/NQ-UBTVQH13


TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 141/TA-KH

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH GIÁM SÁT BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 821/NQ-UBTVQH13 NGÀY 17/10/2014 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát nêu trên của Ủy ban thường vụ Quốc hội với các nội dung cụ thể như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đảm bảo xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong hoạt động xét xử án hình sự và tình hình thực hiện các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự (trong thời gian từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014).

2. Thông qua kết quả xem xét, đánh giá thực trạng tình hình phải xác định được trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng để xảy ra các trường hợp oan, sai; rút ra được những nguyên nhân và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xét xử oan, sai; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan tới việc giải quyết các yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

3. Đảm bảo trách nhiệm của Tòa án nhân dân các cấp trong việc thực hiện đúng yêu cầu về phạm vi, nội dung, thời gian giám sát đề ra trong Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

B. NỘI DUNG BÁO CÁO GIÁM SÁT

Trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Tòa hình sự, các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp tiến hành thống kê (theo các mẫu kèm theo) và báo cáo kết quả về một số nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH THỤ LÝ, XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Tình hình giải quyết án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, trong đó nêu rõ:

- Số vụ/ bị cáo đã được thụ lý, xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

- Số án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị (nêu rõ tỷ lệ % trên số án sơ thẩm đã đưa ra xét xử).

- Số án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại (có thống kê theo từng tiêu chí cụ thể: do sai tội danh; áp dụng hình phạt không đúng pháp luật; chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội).

- Số bị cáo bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa tội danh.

- Nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bản án sơ thẩm bị hủy, sửa tội danh là nguyên nhân khách quan hay nguyên nhân chủ quan, các vụ án đó có trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không? Việc phúc đáp của Viện kiểm sát đối với yêu cầu điều tra bổ sung như thế nào? có vụ án nào Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát không phúc đáp dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc Tòa án yêu cầu bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không phúc đáp, Tòa án vẫn kết tội theo truy tố của Viện kiểm sát mà bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án; có vụ nào Tòa án xử theo đánh giá chứng cứ và kết tội khác nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố? qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục (nêu rõ việc phối hợp trong trả hồ sơ điều tra bổ sung).

2. Tình hình giải quyết án hình sự theo thủ tục phúc thẩm, trong đó nêu rõ:

- Số vụ án/bị cáo thụ lý, giải quyết xét xử theo thủ tục phúc thẩm;

- Số bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (nêu rõ tỷ lệ % trên tổng số bản án, quyết định đã giải quyết theo thủ tục phúc thẩm). Có bao nhiêu vụ án chấp nhận kháng nghị, bao nhiêu vụ không chấp nhận kháng nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị bao nhiêu vụ, Chánh án Tòa án kháng nghị bao nhiêu vụ.

- Số bản án, quyết định phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại (có thống kê theo từng tiêu chí cụ thể: do sai tội danh; áp dụng hình phạt không đúng pháp luật; chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội).

- Nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bản án phúc thẩm bị hủy là nguyên nhân khách quan hay nguyên nhân chủ quan; qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục.

3. Số vụ án/bị cáo Tòa án tuyên phạm tội khác với tội danh bị truy tố, trong đó nêu rõ:

- Số lượng vụ án/bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạm tội khác với tội danh bị truy tố; các vụ án này có trả hồ sơ để điều tra bổ sung và do việc trả hồ sơ nên đã xử về tội khác với tội bị truy tố.

- Số lượng vụ án/bị cáo Tòa án cấp phúc thẩm tuyên phạm tội khác với tội danh bị truy tố. Nêu rõ lý do cấp phúc thẩm sửa tội danh.

4. Thống kê, báo cáo các trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, tỷ lệ %. Số vụ án/bị cáo Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng sau đó bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc theo hướng có tội, tỷ lệ % và kết quả giải quyết, trong đó nêu rõ:

- Các trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và tuyên bố bị cáo không phạm tội nhưng khi xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại và khi xét xử sơ thẩm lại thì lại tuyên bố bị cáo phạm tội (nêu rõ tỷ lệ %).

- Các trường hợp đã xét xử sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó bản án sơ thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nêu rõ tỷ lệ % và kết quả giải quyết theo các tiêu chí: Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra, xét xử lại, quá trình xét xử sơ thẩm lại thì lại tuyên bố bị cáo phạm tội.

- Các trường hợp đã xét xử phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, nhưng sau đó bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra, xét xử lại, quá trình xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm lại thì lại tuyên bố bị cáo phạm tội.

- Các trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng nghị.

Các trường hợp bị hủy, Tòa án cấp sơ thẩm có yêu cầu điều tra bổ sung không? kết quả điều tra bổ sung có đáp ứng yêu cầu của Tòa án không? Tòa án quyết định có phụ thuộc vào chứng cứ bổ sung để giải quyết vụ án không?

5. Thống kê, báo cáo các trường hợp Tòa án tuyên bị cáo có tội, nhưng sau đó bị cấp phúc thẩm xử không phạm tội hoặc bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng không có tội, tỷ lệ %; kết quả giải quyết, trong đó nêu rõ:

- Các trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và tuyên bố bị cáo phạm tội nhưng khi xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại nhưng quá trình điều tra lại thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án.

- Các trường hợp đã xét xử sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó bản án sơ thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng không có tội. Nêu rõ tỷ lệ % và kết quả giải quyết theo các tiêu chí: Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án và tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra, xét xử lại, quá trình điều tra lại thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc khi xét xử sơ thẩm lại thì lại tuyên bố bị cáo không phạm tội.

- Các trường hợp đã xét xử phúc thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội, nhưng sau đó bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nêu rõ tỷ lệ % và kết quả giải quyết theo các tiêu chí: Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án và tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra, xét xử lại, quá trình điều tra lại thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc khi xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm lại thì lại tuyên bố bị cáo không phạm tội.

- Các trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng nghị.

- Các trường hợp nêu trên Tòa án có trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không? đánh giá về việc trả hồ sơ và việc phúc đáp của Viện kiểm sát.

6. Thống kê, báo cáo về tình hình các Tòa án cho bị cáo hưởng án treo, trong đó nêu rõ:

- Số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo sau đó do có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và bị Tòa án cấp phúc thẩm chuyển thành hình phạt tù hoặc do có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo hướng không cho bị cáo được hưởng án treo (nêu rõ tỷ lệ %).

- Số bị cáo Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo nhưng sau đó do có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại theo hướng không cho bị cáo được hưởng án treo (nêu rõ tỷ lệ %).

- Đánh giá rõ nguyên nhân của việc các Tòa án cho bị cáo được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

7. Đánh giá về các vi phạm pháp luật phổ biến trong hoạt động xét xử tại đơn vị các đơn vị Tòa án, trong đó:

- Nêu rõ số trường hợp để quá hạn tạm giam không có lệnh; không tuyên bồi thường thiệt hại, không xử lý vật chứng, số lượng bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án,...

- Nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình trạng nêu trên và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử tại đơn vị.

II. THỰC TRẠNG VỀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Trong phạm vi quyền quản lý, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp, trong đó đánh giá cụ thể về:

- Thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán.

- Thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ Thư ký, thẩm tra viên.

- Số Thư ký Tòa án, Thẩm phán, cán bộ Tòa án vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng bị xử lý, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự (trong đó có phân biệt giữa sai phạm không liên quan đến tố tụng và sai phạm có liên quan đến tố tụng).

III. VIỆC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG OAN, SAI TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Thống kê, báo cáo việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, bao gồm:

- Tình hình thụ lý, giải quyết các trường hợp yêu cầu Tòa án bồi thường thiệt hại do bị xét xử oan, trong đó nêu rõ:

+ Số đơn đề nghị bồi thường, số trường hợp thương lượng được đã giải quyết, tổng số tiền phải bồi thường, số tiền đã bồi thường; số trường hợp đang thương lượng giải quyết;

+ Số thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự đồi bồi thường (do không thương lượng được), đã giải quyết, tổng số tiền phải bồi thường, số tiền đã bồi thường; số trường hợp đang giải quyết.

- Tình hình thụ lý, giải quyết các trường hợp cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, không thương lượng được mức bồi thường, đương sự khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát) bồi thường do làm oan người vô tội.

- Nêu kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế trong công tác giải quyết bồi thường cho người bị oan (trong việc lập hồ sơ, dự toán kinh phí, việc cấp và chi trả tiền bồi thường cho người bị oan).

- Đánh giá về thực trạng quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự tại đơn vị.

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ hoàn trả của những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai.

- Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan và những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

- Nêu các giải pháp khắc phục; đề xuất có cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan hay không, sửa đổi quy định nào (ví dụ: nghĩa vụ hoàn trả của những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai có cần đặt ra hay không, đặt ra như thế nào,...).

IV. ĐÁNH GIÁ VỀ HẠN CHẾ CỦA CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Những hạn chế, bất cập của chính sách, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự có liên quan đến việc xét xử oan, sai các vụ án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự;

- Đề xuất các phương hướng, giải pháp sửa đổi các chính sách, các văn bản pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Về việc xây dựng báo cáo, gửi báo cáo giám sát và trách nhiệm kỷ luật

1. Căn cứ vào các nội dung đã nêu tại mục B của Kế hoạch này, Đồng chí Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Chánh tòa Tòa hình sự và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo việc xây dựng báo cáo về tình hình xét xử oan, sai; việc thực hiện các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại địa phương mình (trong đó, Tòa án quân sự Trung ương tổng hợp xây dựng báo cáo chung của hệ thống các Tòa án quân sự; Tòa án quân sự quân khu và tương đương tổng hợp xây dựng báo cáo chung của đơn vị mình và các Tòa án quân sự khu vực thuộc thẩm quyền quản lý; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp xây dựng báo cáo chung của đơn vị mình và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý).

Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban thanh tra xây dựng báo cáo chung theo nội dung tại mục II, phần B; Vụ Kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo đánh giá chung theo nội dung tại mục III, phần B; Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo đánh giá chung theo nội dung tại mục IV, phần B của Kế hoạch này.

Các báo cáo bên cạnh việc đưa ra các số liệu minh họa cần phân tích làm rõ những nguyên nhân và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xét xử oan; đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan tới việc giải quyết các yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

2. Số liệu thống kê và báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Thống kê Tổng hợp) trước ngày 20/11/2014 bằng chuyển phát nhanh qua đường bưu điện và theo đường Email qua địa chỉ: [email protected], để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của Tòa án nhân dân.

Cùng với việc gửi số liệu thống kê và báo cáo về Tòa án nhân dân tối cao, các đơn vị Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án quân sự quân khu và tương đương có trách nhiệm gửi báo cáo giám sát đến Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương mình trước ngày 25/11/2014.

3. Việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là hết sức quan trọng, do đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Báo cáo phải thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu trên; số liệu phải được thống kê, tổng hợp chính xác theo các mẫu kèm theo (trường hợp không có số liệu thì phải nêu rõ là không có); các đánh giá, đề xuất, kiến nghị phải được đúc rút từ thực tiễn công tác. Đặc biệt, các đơn vị phải khẩn trương thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ về thời gian. Các đơn vị thực hiện không đầy đủ các yêu cầu về nội dung cũng như thời gian thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc không hoàn thành nhiệm vụ và không xét thi đua khen thưởng năm 2014. Vụ Thống kê - Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nội dung này.

4. Giao Vụ Thống kê - Tổng hợp tổng hợp số liệu và xây dựng báo cáo chung của Tòa án nhân dân về tình hình xét xử oan sai và thực hiện việc bồi thường cho người bị oan theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Vụ Thống kê - Tổng hợp có trách nhiệm đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

II. Về việc phối hợp làm việc với Đoàn giám sát và Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về các nội dung giám sát

1. Tòa án quân sự Trung ương, Tòa hình sự và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, Ban Thanh tra, Ban Thư ký và Vụ Thống kê - Tổng hợp có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo đơn vị tham gia cùng với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tại các buổi làm việc theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát và tham gia báo cáo, giải trình về các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát thuộc trách nhiệm của đơn vị mình hoặc giải trình đối với một số trường hợp oan, sai cụ thể theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Đoàn giám sát.

2. Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn giám sát đến làm việc, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đắk Nông, Phú Yên, Quảng Trị, Nam Định, Bắc Giang và Tòa án quân sự quân khu 4 có trách nhiệm tổ chức buổi làm việc với Đoàn giám sát hoặc cử đại diện lãnh đạo đơn vị tham gia các buổi làm việc với Đoàn giám sát về các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát và thực hiện các yêu cầu khác liên quan đến hoạt động giám sát. Báo cáo giải trình đối với một số trường hợp oan, sai cụ thể theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

3. Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại (52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn giám sát không đến làm việc) có trách nhiệm tổ chức buổi làm việc hoặc cử đại diện lãnh đạo tham gia buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện các yêu khác liên quan đến hoạt động giám sát.

Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các đơn vị Tòa án nhân dân các cấp triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp báo cáo ngay về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Thống kê - Tổng hợp) để xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội; để báo cáo
- Văn phòng Chủ tịch nước; để báo cáo
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; để báo cáo
- Đ/c Chánh án TAND tối cao; để báo cáo
- Các đ/c PCA TANDTC (để phối hợp chỉ đạo thực hiện)
- TAQSTW, Tòa hình sự và các Tòa phúc thẩm TANDTC, Viện khoa học xét xử, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ TCCB, Ban thanh tra, Ban Thư ký TANDTC (để thực hiện);
- Chánh án TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và TAQS các cấp (để thực hiện);
- Lưu: VP, Vụ TKTH.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Sơn

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 141/TA-KH

Loại văn bảnVăn bản khác
Số hiệu141/TA-KH
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/10/2014
Ngày hiệu lực31/10/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 141/TA-KH

Lược đồ Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát theo 821/NQ-UBTVQH13


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát theo 821/NQ-UBTVQH13
                Loại văn bảnVăn bản khác
                Số hiệu141/TA-KH
                Cơ quan ban hànhTòa án nhân dân tối cao
                Người kýNguyễn Sơn
                Ngày ban hành31/10/2014
                Ngày hiệu lực31/10/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTrách nhiệm hình sự
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát theo 821/NQ-UBTVQH13

                      Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 141/TA-KH năm 2014 thực hiện Kế hoạch giám sát theo 821/NQ-UBTVQH13

                      • 31/10/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 31/10/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực